Bạc Liêu "biết người, biết ta"

Thứ tư, 31/01/2018, 07:35 AM

Thủ tướng Chính phủ đánh giá Bạc Liêu là tỉnh còn nghèo nhưng biết lựa chọn trọng tâm phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch và thương mại - y tế - giáo dục chất lượng cao… là những nội dung chính được đặt ra tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu với chủ đề "Khơi dậy tiềm năng, phát triển bền vững", ngày 30-1. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị chuyên đề về xúc tiến đầu tư sau hơn 20 năm tái lập tỉnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị cùng sự góp mặt của hơn 500 nhà quản lý, khoa học, ngoại giao, doanh nghiệp.

Thu hoạch tôm nuôi ứng dụng khoa học công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu    Ảnh: Thanh Cường

Thu hoạch tôm nuôi ứng dụng khoa học công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu Ảnh: Thanh Cường

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định trong bối cảnh tổng GRDP của tỉnh chỉ khoảng 35.500 tỉ đồng, song Bạc Liêu đã nỗ lực thu hút đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 110.000 tỉ đồng. Con số này càng có ý nghĩa trong bối cảnh đầu tư công ngày càng thắt chặt, việc thu hút các nguồn ngoại lực có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với Bạc Liêu mà còn là mục tiêu của đất nước. Bạc Liêu đã rất "biết người, biết ta" khi lựa chọn những trụ cột phát triển gồm: Nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch và thương mại - y tế - giáo dục chất lượng cao. Đây là những định hướng phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Bạc Liêu; đồng thời cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của Việt Nam và thế giới, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa đã "đến tận cửa của từng nhà".

Nhiều đại biểu, lãnh đạo các bộ - ngành trung ương đã giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của Bạc Liêu cũng như cả vùng ĐBSCL trong phát triển nông nghiệp, nhất là thủy sản, mà trọng tâm là con tôm. Bạc Liêu là tỉnh ở trung tâm của vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ Việt Nam và là địa phương duy nhất có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên về tôm, được Thủ tướng kỳ vọng trong tương lai không xa sẽ sớm trở thành thủ phủ ngành tôm Việt Nam và có những đóng góp quan trọng cho mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt mức 10 tỉ USD trước năm 2025.

Một minh chứng cho định hướng phát triển xanh của Bạc Liêu là dự án điện gió Bạc Liêu đã đưa vào vận hành hiệu quả, phát lên lưới gần 500 triệu KWh, biến vùng bãi bồi hoang sơ ven biển thành nhà máy điện gió 99,2 MW lớn nhất Việt Nam hiện nay. Không chỉ vậy, Bạc Liêu đã đề xuất mô hình phát triển điện mặt trời trên mái nhà các khu nuôi tôm siêu thâm canh, mô hình điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thủy sản… "Có thể nói đây là những ý tưởng và hành động rất phù hợp, gắn liền với đặc điểm, điều kiện của địa phương và xu thế phát triển của thế giới, rất xứng đáng được biểu dương, khuyến khích" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, tỉnh Bạc Liêu cũng đã trao nhiều giấy phép đầu tư, cam kết đầu tư và ký kết hợp tác phát triển nhiều dự án lớn, quan trọng, không chỉ thể hiện qua số tiền mà còn ở khả năng hiện thực hóa những dự án này trở thành động lực thúc đẩy địa phương phát triển. Cụ thể, các doanh nghiệp đăng ký hơn 110.000 tỉ đồng vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất tôm, giáo dục - y tế…

 Duy Nhân

Theo NLĐ

largeer