Bà Phạm Khánh Phong Lan: 'Vụ ngộ độc sau khi ăn bánh su kem là một thất bại'
"Trong bảo đảm an toàn thực phẩm, một trong những tiêu chí quan trọng là kéo giảm, thậm chí số vụ ngộ độc thực phẩm bằng 0, nhưng qua vụ ngộ độc sau khi ăn bánh su kem rõ ràng là một thất bại bước đầu của chúng tôi".
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm (QLATTP) TP.HCM đã nhấn mạnh như trên với báo chí vào chiều 5.10 về vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh su kem hiệu Givral khiến 1 người chết và hàng chục người nhập viện cấp cứu xảy ra trên địa bàn TP.Thủ Đức (TP.HCM).
Theo bà Lan, trong ngày 29.9.2023, Công ty cổ phần bánh GIVRAL (địa chỉ sản xuất Lô II-1B Lê Trọng Tấn, Khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) - cơ sở sản xuất bánh su kem hiệu Givral đã đưa ra ngoài thị trường 1.300 sản phẩm, nhưng 230 sản phẩm bán cho chung cư Palm Heights (TP.Thủ Đức) lại có vấn đề xảy ra.
“Đến thời điểm này qua kết quả thanh tra của các đoàn, từ cửa hàng đến cơ sở sản xuất bánh su kem Givral đều đáp ứng tất cả những gì mà đơn vị này đã cam kết khi chúng tôi đến thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, phải chờ kết quả kiểm định và một số kết quả khác của ngành y tế”, bà Lan cho biết.
Trong suốt thời gian qua, một trong những điều hướng đến của Ban QLATTP là xây dựng thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn. “Chúng tôi tuyên truyền, kêu gọi người dân ủng hộ thực phẩm sạch, có nguồn gốc, xuất xứ, hợp pháp, có thương hiệu càng tốt. Tuy nhiên, rất tiếc trường hợp này lại rơi vào một thực phẩm có thương hiệu lâu đời, có uy tín của TP”, bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, nhiều năm qua, TP chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào gây chết người, trừ ngộ độc rượu bia là một vấn đề khác. Tuy nhiên, để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm gây chết người như thế này là một điều đáng tiếc.
"Trong bảo đảm an toàn thực phẩm, một trong những tiêu chí quan trọng là kéo giảm số vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí số vụ ngộ độc bằng 0, nhưng qua vụ ngộ độc sau khi ăn bánh su kem rõ ràng là một thất bại bước đầu của chúng tôi”, bà Lan nhấn mạnh.
Bà Lan cho rằng, việc xử lý vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh su kem trên là khá chậm, khiến cho bệnh nhân có nguy cơ nguy hiểm cũng như gây khó khăn trong việc lấy mẫu kiểm nghiệm.
“Vụ việc xảy ra từ ngày 29.9, nhưng đến ngày 2.10, các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Đây là bài học kinh nghiệm cần rút ra giữa các đơn vị. Giá như công an TP.Thủ Đức phát hiện sớm, giá như bà mẹ của cháu bé thông báo với Ban quản lý chung cư để báo với lực lượng chức năng trước khi ôm con tử vong về quê chôn cất”, bà Lan chia sẻ.
Từ vụ việc trên theo bà Lan, bài học kinh nghiệm cho thấy xử lý càng sớm càng tốt. Nếu như các trẻ sử dụng bánh su kem lúc đó có sức khỏe kém, có bệnh nền, khi xảy ra ngộ độc thực phẩm mà để kéo dài sẽ rất nguy hiểm, tử vong không chỉ có 1 mà nhiều hơn.
“Trước khi chúng tôi đến, nhiều cư dân ở chung cư này thông báo với nhau vứt hết các bánh su kem đó, nhưng rất may chúng tôi đã lấy được 2 mẫu bánh ở chung cư này, và 1 mẫu bánh sản xuất ngày 29.9 tại cơ sở”, bà Lan nói.
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm
-
Kinh tế số giúp tăng năng suất lao động