Giá hàng tiêu dùng đang tăng mỗi ngày

Thứ hai, 02/10/2023, 14:40 PM

Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đang tăng lên mỗi ngày, trong khi giá xăng dầu cũng không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Empty

Những ngày qua, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng nhất là các mặt hàng thiết yếu có dấu hiệu tăng mạnh. Theo các tiểu thương, nguyên nhân nhiều mặt hàng tăng giá đến từ nhiều yếu tố tác động, trong đó có ảnh hưởng từ giá xăng dầu tăng cao.

Rau xanh, thực phẩm tăng giá mạnh

Ghi nhận của PV những ngày qua tại Hà Nội cho thấy nhiều mặt hàng rau củ tăng giá mạnh. Điển hình như giá củ cải trắng cách đây một tuần được bán khoảng 8.000 đồng/kg thì nay tăng lên 12.000 đồng/kg; cà rốt từ 12.000 đồng/kg, sau một tuần tăng lên 15.000 đồng/kg…

Theo số liệu báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2023 tăng 0,88% so với tháng trước. Nguyên nhân là do tác động từ các đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp kể từ giữa tháng 7 và biến động của thị trường gạo thế giới.

Bà Hằng, tiểu thương bán rau ở chợ Cổng (Hà Đông), cho biết giá rau củ tăng mạnh là do một số loại rau hết mùa, một số loại bị hỏng vì mưa lớn. Ngoài ra cũng một phần là do ảnh hưởng của giá xăng dầu.

Chị Nguyễn Thị Phương, tiểu thương nhập rau từ chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), cũng cho biết: “Ngoài ảnh hưởng thời tiết thì giá rau tăng cũng một phần do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng”.

Không riêng gì rau xanh, giá các mặt hàng thực phẩm chế biến, đồ khô đã tăng từ cách đây một tháng. Chị Hoa, chủ cửa hàng tạp hóa ở phường Phú Lương (quận Hà Đông), cho biết các mặt hàng sữa như TH, Vinamilk đã tăng thêm hơn 10.000 đồng/thùng, nước mắm Nam Ngư tăng 20.000 đồng/thùng… “Đơn vị phân phối của nhiều mặt hàng khác cũng đang rào đón trước về việc chuẩn bị có một đợt tăng giá mới” - chị Hoa nói.

Tương tự, tại TP.HCM, ghi nhận tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn quận Gò Vấp, quận 12 cho thấy giá rau củ các loại đã bắt đầu tăng do ảnh hưởng của thời tiết và chi phí vận chuyển.

Chị Thủy, tiểu thương tại chợ Phạm Văn Bạch (quận Gò Vấp), cho biết trong năm ngày qua giá rau đã tăng khá nhiều. Đơn cử, ớt chỉ thiên đã lên mức 55.000 đồng/kg, hành lá lên mức khoảng 35.000-40.000 đồng/kg.

“Các mặt hàng khác như bún, bánh hỏi, bánh ướt… tăng 3.000-5.000 đồng/kg tùy loại do ảnh hưởng bởi giá gạo. Giá gạo tuy đã giảm nhưng vẫn neo ở mức cao, đơn cử trước đây gạo thơm lài giá 15.000 đồng/kg, nay đã lên 18.000 đồng/kg” - chị Thủy cho biết.

Ông Đoàn Thanh Dũng, Chủ nhiệm HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận (Đồng Tháp), thông tin những ngày qua, giá rau củ các loại đang tăng 2.000-3.000 đồng/kg. Ảnh hưởng thời tiết khiến hàng hóa bị đứt đoạn, không đủ cung ứng ra thị trường.

Xăng dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

 Hiện nay, giá xăng dầu đang ở mức cao nhất từ đầu năm khi giá xăng E5 đã lên 24.197 đồng/lít, xăng A95 tiến sát mốc 26.000 đồng/lít, dầu diesel 23.594 đồng/lít… So với cách đây bốn tháng, tính từ thời điểm điều hành giá ngày 1-6, mỗi lít xăng E5 đã tăng 3.319 đồng, xăng A95 tăng 3.733 đồng, dầu diesel tăng 5.651 đồng…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, cho biết khi giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động vận tải, gây áp lực tăng giá vận chuyển.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Hiển, Giám đốc Công ty Vinagreenco, cho hay giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng nhiều đến chi phí vận chuyển. Do đó, nếu vận chuyển đường xa, công ty phải gom hàng vận chuyển một lần để tiết kiệm chi phí xăng dầu.

Chị Cẩm Loan, kinh doanh sỉ mặt hàng thực phẩm ở TP.HCM, cho biết xăng tăng giá đã tác động trực tiếp tới doanh thu của cửa hàng vì nguồn hàng từ Tiền Giang về Sài Gòn đã tăng 3.000 đồng/sản phẩm. “Xăng tăng giá nên hàng nhập về cũng tăng giá. Hiện nay với các đơn sỉ, lẻ từ 3 km trở lên chúng tôi quyết định thu thêm 10.000 đồng/đơn hàng và dưới 3 km sẽ là 5.000 đồng/đơn hàng” - chị Loan nói.

Lo ảnh hưởng kiểm soát lạm phát

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết xăng dầu là mặt hàng đầu vào quan trọng của sản xuất và đời sống. Khi giá xăng dầu tăng sẽ làm chi phí đầu vào và giá thành các sản phẩm tăng, giá bán ra vì vậy mà tăng theo, ảnh hưởng đến mặt bằng giá.

“Bình thường giá xăng dầu chỉ ở khoảng 18.000-19.000 đồng/lít, đỉnh điểm năm 2022 có lúc lên gần 33.000 đồng/lít. Với mức giá hiện tại ở khoảng gần 24.000 đến gần 26.000 đồng/lít là tương đối cao. Với mức tăng giá như vậy sẽ ảnh hưởng tới việc kiểm soát lạm phát” - ông Long trao đổi.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho biết: “Trong bối cảnh lạm phát đang chịu áp lực của chính sách tiền tệ, nay lại cộng thêm lạm phát chi phí đẩy của giá xăng dầu tăng liên tục sẽ làm cho lạm phát tăng ở mức cao trong năm nay. Đây là nguy cơ lớn nhất. Thứ hai là ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh đơn hàng đang rất khó khăn. Thứ ba là tăng trưởng kinh tế cũng vì vậy mà bị suy giảm theo”.

Nhiều ý kiến cho rằng khi giá xăng dầu lập đỉnh, giá hầu hết các mặt hàng đều tăng theo với lý do xăng dầu đóng vai trò then chốt trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng dù sau đó giá xăng dầu liên tục giảm, giá hàng hóa vẫn giậm chân tại chỗ.

Theo các chuyên gia, để tránh tác động tiêu cực từ việc giá xăng dầu tăng như bài học năm 2022, cơ quan quản lý cần có sự điều hành linh hoạt, có giải pháp để kiềm chế giá tăng từ sớm. Từ đó tránh tình trạng khi giá xăng dầu tăng ở mức quá cao mới can thiệp thì đã muộn, không còn hiệu quả.

Giá dầu có thể vẫn neo ở mức cao

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam (Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam - MXV), nhận định: Trong bốn tháng cuối năm, vấn đề siết chặt nguồn cung vẫn sẽ khiến giá dầu thế giới ở mức nền cao hơn nhiều so với nửa đầu năm nay.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo thị trường sẽ thâm hụt khoảng 240.000 thùng dầu/ngày trong quý IV. Do đó, giá dầu Brent sẽ còn dư địa tăng trên vùng 90-95 USD/thùng. Việc có vượt lên vùng giá 100 USD/thùng sẽ phụ thuộc phần lớn vào bối cảnh kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc. 

Như vậy, việc thị trường sẽ tiếp tục thâm hụt vì sản lượng của Mỹ và vài quốc gia khác khó có thể bù đắp cho lượng cắt giảm đến từ Saudi Arabia và Nga. Do đó, nhiều khả năng giá dầu sẽ duy trì ở mức cao, bên cạnh sức ép vĩ mô vẫn tạo sức cản với giá dầu.

Theo plo.vn

largeer