AI và việc bảo đảm an ninh truyền thông

Thứ hai, 06/03/2023, 10:56 AM

Các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) đang từng bước được ứng dụng trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Tuy nhiên, các sản phẩm thông minh nhân tạo này cũng đặt chúng ta trước các hoạt động an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng.

Nguy cơ mất an toàn thông tin trên môi trường mạng

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ngày một phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang từng bước chiếm lĩnh các hoạt động của các lĩnh vực từ chính trị đến xã hội, từ công nghệ đến khoa học. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí, truyền thông cũng ngày càng phổ biến, các sản phẩm báo chí, truyền thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng đang xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chúng ta cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới liên quan đến an ninh phi truyền thống trong quá trình phát triển này.

Các nhà nghiên cứu tại công ty bảo mật Check Point Research đã báo cáo rằng trong vòng vài tuần kể từ khi ChatGPT hoạt động, những người tham gia diễn đàn tội phạm mạng, một số người có ít hoặc không có kinh nghiệm mã hóa đã sử dụng nó để viết phần mềm và email có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp, ransomware, mã độc thư rác và các tác vụ độc hại khác.

Chatbot AI có thể thành công cụ tấn công an toàn thông tin trên môi trường mạng. Ảnh: Olivia Wise

Chatbot AI có thể thành công cụ tấn công an toàn thông tin trên môi trường mạng. Ảnh: Olivia Wise

Theo báo cáo này: “Vẫn còn quá sớm để quyết định liệu các khả năng của ChatGPT có trở thành công cụ yêu thích mới cho những người tham gia Dark Web (web tối) hay không. Tuy nhiên, cộng đồng tội phạm mạng đã thể hiện sự quan tâm đáng kể và đang tham gia vào xu hướng mới nhất này để tạo mã độc”.

Tại Việt Nam, không gian mạng đang dần trở thành môi trường trọng điểm cho các hoạt động xâm phạm an ninh, hoạt động tội phạm, phát tán thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, xã hội. Các hoạt động tấn công để chiếm đoạt, chiếm quyền điều khiển hệ thống, lợi dụng các thông tin cá nhân, dữ liệu người dùng trên không gian mạng diễn ra cả trong công khai lẫn ẩn danh. Vừa tấn công vừa lợi dụng niềm tin của công chúng, người dùng trên không gian mạng để kiếm lợi, gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội.  

Các doanh nghiệp công nghệ hoạt động trên không gian mạng làm thất thoát thông tin người dùng hoặc sử dụng thông tin người dùng để mua bán gây lộ lọt thông tin, trong đó có những thông tin quan trọng như thông tin về định danh công dân, thông tin về tài khoản ngân hàng, an sinh xã hội… 

Trao đổi từ góc nhìn an ninh truyền thông, TS. Trần Quang Diệu - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế mà nói, các sản phẩm thông minh nhân tạo đang từng bước được ứng dụng trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Tuy nhiên, các sản phẩm thông minh nhân tạo này cũng đặt chúng ta trước các hoạt động an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng như: sự tấn công của các thế lực thù địch, của các hacker vào các hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia; sự tấn công bằng lây nhiễm, cài cắm mã độc nhằm chiếm đoạt, đánh cắp thông tin cá nhân; tấn công thu thập dữ liệu để sử dụng chống phá, can thiệp vào hoạt động chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế và thậm chí cả vào các tiến trình, kết quả bầu cử ở một số quốc gia, các thông tin thất thiệt hay dựng chuyện, bịa chuyện trong khi sử dụng các phần mềm thông minh nhân tạo.

Bên cạnh đó, các công ty công nghệ khi nắm giữ thông tin người dùng cũng có thể bị tấn công, hoặc bị chính các công ty sử dụng để kinh doanh, mua bán gây mất an toàn thông tin hoặc ảnh hưởng tới người sử dụng.

"Các thông tin thất thiệt, dựng chuyện, bịa chuyện dựa trên các phần mềm, ứng dụng thông minh nhân tạo thông qua sử dụng các dữ liệu đầu vào không chuẩn, không đầy đủ… ngày càng phổ biến. Các phần mềm AI có thể tạo ra một sản phẩm nhưng nó không phải là tác giả của sản phẩm đó theo ý nghĩa bản quyền tác giả, dữ liệu được các phần mềm AI học, huấn luyện và trả lời có thể đúng, sai mà không có cơ sở xác định tính đúng, sai này", TS. Trần Quang Diệu cho biết.

Nghiên cứu thiết lập mạng xã hội riêng của các cơ quan báo chí

Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, khối lượng dữ liệu được thu thập của các chatbot như ChatGPT không ngừng tăng lên và các vấn đề về quyền riêng tư, việc sử dụng thông tin cá nhân, lan truyền thông tin xấu độc, thậm chí can thiệp vào hoạt động chính trị, an ninh, quốc phòng rất đáng lo ngại.

Nói điều đó vì điều khoản dịch vụ của công ty tạo ra ChatGPT cho doanh nghiệp này quyền sử dụng tất cả dữ liệu đầu vào và đầu ra do người dùng và ChatGPT tạo ra. Dù công ty này có hệ thống xóa tất cả các thông tin nhận dạng cá nhân khỏi dữ liệu mà mình sử dụng nhưng gần như không thể xác định và xóa “triệt để” thông tin cá nhân khỏi dữ liệu do chu kỳ cập nhật dữ liệu nhanh chóng của ChatGPT.

Cần xây dựng mô hình quản lý thông tin trên mạng xã hội và truyền thông xã hội theo hướng hiện đại với các tiêu chí chủ động, thống nhất, kịp thời và hiệu quả.

Cần xây dựng mô hình quản lý thông tin trên mạng xã hội và truyền thông xã hội theo hướng hiện đại với các tiêu chí chủ động, thống nhất, kịp thời và hiệu quả.

TS. Trần Quang Diệu cho rằng, tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đồng thời đảm bảo an ninh truyền thông thì cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không giang mạng; thực hiện kiểm soát, quản lý bằng chủ trương, chính sách, pháp luật và năng lực công nghệ; có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và phù hợp của các cơ quan hữu trách.

Chúng ta cần xây dựng một hệ thống cơ sở pháp lý, ban hành luật pháp và hướng dẫn thực thi pháp luật. Mặc dù hiện tại đã ban hành hai văn bản luật là Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng, tuy vậy, chúng ta cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện có.

Cần xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức; cá nhân trong bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; cần có các giám sát phù hợp với các công ty đang hoạt động trên môi trường Internet, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ mạng xã hội và truyền thông xã hội.

Theo TS. Trần Quang Diệu, một trong những giải pháp hữu ích là cần xây dựng mô hình quản lý thông tin trên mạng xã hội và truyền thông xã hội theo hướng hiện đại với các tiêu chí chủ động, thống nhất, kịp thời và hiệu quả.

Trong đó, nhà nước sử dụng các công cụ quản lý như hệ thống pháp luật và các cơ quan quản lý nhà nước trên không gian mạng, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội và các đơn vị giám sát thông tin trên không gian mạng. Nhà cung cấp mạng xã hội và dịch vụ thông tin trên Internet sử dụng các công cụ phối hợp quản lý như các quy định của pháp luật về quản lý nội dung, hệ thống nhân sự và quản lý nội dung thông tin trên không gian mạng.

Cơ quan báo chí - truyền thông sử dụng các công cụ kỹ thuật phối hợp quản lý như thiết lập các trang cộng đồng, các kênh video hay các tài khoản mạng xã hội để đăng tải thông tin tích cực, chính thống định hướng dư luận. 

"Đặc biệt, cần nghiên cứu thiết lập mạng xã hội riêng của các cơ quan báo chí. Đối với người sử dụng, cần sử dụng các công cụ hỗ trợ như các kênh thông báo hay báo cáo sai phạm. Xây dựng các bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho người sử dụng. Làm được điều này sẽ khai thác hiệu quả cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 trong thực hiện nhiệm vụ truyền thông, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tốt đẹp", TS. Trần Quang Diệu chia sẻ.

Phan Hoà Giang

Theo congluan.vn