Ai được đón tại sân đỗ máy bay?

Thứ năm, 10/01/2019, 09:56 AM

Chế độ đưa đón lãnh đạo tại các sân bay được quy định rất chặt chẽ. Các cá nhân, phương tiện phục vụ muốn vào khu vực hạn chế phải được cơ quan cảng vụ cấp thẻ ra vào sân bay đón, tiễn...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ngày 8/1 đã gửi thư xin lỗi về vụ việc Văn phòng Bộ Công Thương dùng xe của Bộ vào đón người trong gia đình ông ở khu vực sân bay Nội Bài hôm 4/1 vừa qua. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm qua vụ việc này, trong đó có quy định về đối tượng được đón tại sân đỗ máy bay.

Quy định chặt chẽ

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, chế độ đưa đón lãnh đạo tại các sân bay được quy định rất chặt chẽ. Các cá nhân, phương tiện phục vụ muốn vào khu vực hạn chế tại sân bay phải được cơ quan cảng vụ cấp thẻ ra vào sân bay đón, tiễn; người được đón, tiễn sẽ không phải di chuyển trong nhà ga như các hành khách thông thường khác.

Cụ thể, Thông tư 01/2016 của Bộ Giao thông Vận tải quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam, giấy phép kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay có giá trị sử dụng dài hạn, ngắn hạn. Phương tiện được cấp giấy phép có giá trị sử dụng dài hạn, ngoài các phương tiện hoạt động thường xuyên tại khu vực hạn chế của sân bay, có các phương tiện thuộc quản lý của cơ quan Đảng, nhà nước và chuyên phục vụ các cán bộ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng và các chức vụ tương đương trở lên; Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy TP trực thuộc trung ương; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương; thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; thứ trưởng Bộ Công an; thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng, cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Chế độ đưa đón lãnh đạo trong nước, các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam tại sân bay đều có quy định chặt chẽ. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hoàng Triều

Chế độ đưa đón lãnh đạo trong nước, các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam tại sân bay đều có quy định chặt chẽ. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hoàng Triều

Phương tiện được xem xét cấp giấy phép có giá trị sử dụng ngắn hạn gồm: phương tiện sử dụng để đưa đón khách quốc tế từ cấp bộ trưởng trở lên; phương tiện có nhiệm vụ phục vụ chuyến bay chuyên cơ; phương tiện hoạt động thường xuyên tại khu vực hạn chế của sân bay nhưng không được cảng vụ hàng không cấp biển kiểm soát an ninh; phương tiện có nhiệm vụ đột xuất để phục vụ các đối tượng đặc biệt, thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ hoạt động của cảng hàng không, sân bay tại khu vực hạn chế.

Phương tiện sau khi được cấp giấy phép vào hoạt động trong khu vực hạn chế phải có phương tiện của người khai thác cảng hàng không, sân bay hoặc nhân viên kiểm soát an ninh hàng không hoặc nhân viên có giấy phép khai thác phương tiện mặt đất hướng dẫn đến vị trí máy bay đậu.

Quy định này không nêu người nhà của các chức danh đó thuộc diện được cấp thẻ hoặc được sử dụng thẻ để ra vào khu vực hạn chế sân bay.

Ngoài ra, thời gian qua, để tạo điều kiện công tác cho các bộ, ngành và địa phương, nhiều tổ chức, cá nhân và phương tiện phục vụ đã được cơ quan cảng vụ cấp thẻ ra vào sân bay.

Vi phạm sẽ bị xử phạt

Trong trường hợp sử dụng giấy phép, thẻ kiểm soát an ninh sai quy định, đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt theo Nghị định 147/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không. Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi sử dụng thẻ kiểm soát an ninh hàng không mà không đúng phạm vi; không đeo thẻ kiểm soát an ninh hàng không khi làm nhiệm vụ trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay. Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với cá nhân sử dụng thẻ kiểm soát an ninh hàng không của người khác vào khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay, lên máy bay.

Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi vào khu vực cách ly, lên máy bay bằng giấy tờ tùy thân, thẻ lên máy bay của người khác. Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi giả mạo thẻ kiểm soát an ninh hàng không.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng cơ quan nhà nước dùng xe công đón người trong gia đình lãnh đạo ở sân bay là thực hiện không đúng quy định pháp luật về sử dụng tài sản công và thực thi công vụ, nhất là trong bối cảnh trung ương vừa ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

"Trong vụ việc Văn phòng Bộ Công Thương dùng xe của bộ vào đón người trong gia đình Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ở khu vực sân bay Nội Bài, có 2 vấn đề sai quy định của pháp luật: Dùng tài sản công phục vụ việc gia đình, vi phạm về quản lý và sử dụng tài sản công; vi phạm về đối tượng đưa tiễn tại chân cầu thang máy bay, dùng bộ máy phục vụ nhà nước để phục vụ việc gia đình. Đây chưa rõ là lỗi do chủ quan hay vô ý nhưng đều thuộc trách nhiệm của bộ trưởng Công Thương" - ông Lê Thanh Vân nói.

Vẫn theo đại biểu Lê Thanh Vân, sau khi xảy ra sự việc, bộ trưởng xin lỗi là một chuyện nhưng không phải như vậy là xong. "Không thể lấy quy phạm đạo đức để xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Nếu chấp nhận lời xin lỗi này sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho sự nêu gương, bởi nó đi ngược với Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương vừa được ban hành..." - đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ.

Vị đại biểu cũng đề nghị hạn chế hoặc bãi bỏ chế độ ưu tiên đối với lãnh đạo cấp bộ trưởng, chủ tịch tỉnh... trong việc đưa đón tại sân bay, đi vé hạng thương gia. "Thường các chức danh được ưu tiên cũng ít khi dùng đến đặc quyền, các đồng chí Thường vụ Quốc hội cũng ít khi đưa xe ra cầu thang máy bay đón, trừ trường hợp đặc biệt cần thiết" - đại biểu Lê Thanh Vân chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cho hay ông nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng nhưng khi về hưu không sử dụng xe biển xanh mà chỉ dùng taxi. "Dù bộ trưởng Bộ Công Thương có lý giải thế nào thì việc sử dụng xe công đón vợ bộ trưởng cũng là sai. Để xảy ra sự việc như vậy, rõ ràng đã vi phạm quy định của Đảng, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và vi phạm pháp luật. Do đó, bộ trưởng xin lỗi chưa đủ mà cần tiếp tục xem xét trách nhiệm rõ ràng" - ông Nguyễn Đình Hương nêu ý kiến.

Trước đó, Báo Người Lao Động nhận được phản ánh từ 2 đại biểu Quốc hội về thông tin xe biển xanh vào khu vực hạn chế tại sân bay quốc tế Nội Bài, tới chân cầu thang máy bay đón người nhà vị lãnh đạo cấp bộ - ngành. Sau đó Cảng vụ Hàng không Miền Bắc cho biết đơn vị này nhận được công văn của Văn phòng Bộ Công Thương về việc đón, tiễn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Dịch vụ đón, tiễn khách VIP

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số sân bay đều có dịch vụ đón, tiễn khách VIP. Điển hình, tại sân bay Nội Bài có cung cấp nghi thức đón, tiễn khách theo tiêu chuẩn VIP cho hành khách. Khi khách đến sẽ được đón ngay trước khu vực nhập cảnh (chuyến bay thương mại) hoặc tại chân cầu thang máy bay với chuyến bay chuyên cơ; trợ giúp làm thủ tục nhập cảnh với chuyến bay quốc tế; hỗ trợ nhận hành lý và thủ tục hải quan nhanh nhất. Với hành khách đi, dịch vụ này sẽ trợ giúp hành khách ngay khi đến sân bay trong thủ tục hàng không, gửi hành lý, nhận thẻ lên máy bay; trợ giúp làm thủ tục xuất cảnh nhanh nhất với chuyến bay quốc tế.

Ngoài ra, tại sân bay Nội Bài có nhà khách VIP A để đón tiếp các đoàn khách cấp nhà nước đến thăm Việt Nam. Cụ thể, các chính khách sau khi xuống máy bay sẽ được xe đưa đến khu vực sân nghi lễ để thực hiện các nghi lễ đón tiếp. Khi các chính khách rời khỏi nhà khách sẽ được tháp tùng ra sảnh phía trước và có xe đón đưa đi.

Khi các chính khách đi sẽ được đón tiếp tại sảnh tiếp tân trung tâm; ngồi chờ chuyến bay tại phòng khách cấp nguyên thủ hoặc các phòng khách VIP khác. Các thủ tục kiểm tra an ninh, hải quan và thủ tục xuất cảnh sẽ được thực hiện tại các phòng chức năng của nhà khách. Sau đó, chính khách sẽ được tháp tùng ra đến sảnh phía khu bay và được xe đưa thẳng ra máy bay.

T.Phương

Bộ Nội vụ nói về trách nhiệm nêu gương của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Nội vụ chiều 9-1, các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi về trách nhiệm nêu gương và văn hóa công vụ của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khi bộ này dùng xe biển xanh vào đón người thân ở sân bay Nội Bài vào ngày 4-1 vừa qua. Phía Bộ Nội vụ cho biết Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có thư nhận trách nhiệm và xin lỗi về sự việc đã xảy ra.

Làm rõ thêm nội dung báo chí quan tâm, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, khẳng định cán bộ, công chức phải thực thi công vụ theo đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền được giao. Theo ông Minh, Luật Cán bộ Công chức quy định rất rõ quyền lợi, chế độ và những điều cấm cán bộ, công chức không được làm. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh cán bộ không được lợi dụng vị trí, ảnh hưởng của mình để mưu cầu lợi ích riêng.

"Việc này vi phạm quy định của Đảng và Luật Cán bộ Công chức. Đây có thể là sơ suất do người tham mưu chưa suy nghĩ chín chắn, chưa thể khẳng định là nịnh bợ lấy lòng cấp trên" - ông Minh nói.

M.Chiến

Dương Ngọc

Theo NLĐ