Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

ACB 'bay' hơn 1.300 tỷ đồng vốn hóa sau tin đồn lãnh đạo đánh bạc

Thứ hai, 06/01/2025 16:20 (GMT+7)

ACB trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng và một trong 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn chứng khoán. Vốn hóa ngân hàng này đã mất hơn 1.300 tỷ đồng trong phiên 6/1.

Kết thúc phiên 6/1, VN-Index mất 8,24 điểm, tương ứng giảm 0,66% về còn 1.246 điểm. Thanh khoản bị co hẹp đáng kể so với các phiên trước đó.

Trên toàn thị trường, có 182 cổ phiếu tăng giá, song có tới 504 mã giảm giá, và 880 mã đứng giá.

Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất phiên hôm nay có thể kể đến nhiều cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, VPB, STB. Ngoài ra còn có một số khác như VTP, BHN, FPT, CTR, TLG và SJS.

Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu khiến toàn thị trường nghiên về sắc đỏ là GVR, MSN, HPG, HVN, MWG, MBB, GAS, DGC và ACB.

Nguồn: Vietstock.

Trong đó, ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng trên HOSE, giảm 1,2% về còn 24.800 đồng/cp.

Mặc dù mức giảm chỉ hơn 1% nhưng cũng đã lấy đi của Ngân hàng ACB hơn 1.300 tỷ đồng giá trị vốn hóa. Quy mô vốn hóa của ACB trên sàn chứng khoán hiện tại đạt 110.756 tỷ đồng.

Cổ phiếu ACB giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng phiên 6/1. (Nguồn: Vietstock).

Cổ phiếu ACB diễn biến bất lợi sau khi ngân hàng vướng vào những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Tối 4/1, ACB thông báo đã nhận được thông tin về một số cá nhân lợi dụng mạng xã hội để phát sóng trực tiếp (livestream) đưa thông tin bịa đặt, thất thiệt về lãnh đạo ACB đánh bạc, chuyển tiền ra nước ngoài hàng chục triệu USD…

Ngay sau đó, Ngân hàng ACB phát đi thông cáo về những thông tin được lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến lãnh đạo cấp cao của ngân hàng là “các thông tin sai lệch không chỉ xâm phạm quyền lợi hợp pháp của cá nhân và tổ chức mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính, tiền tệ của cả ngành ngân hàng Việt Nam”.

Ngân hàng cho biết đã thu thập đầy đủ bằng chứng liên quan và gửi đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, ACB cam kết luôn đặt quyền lợi của khách hàng và cổ đông lên hàng đầu, tiếp tục duy trì hoạt động an toàn và minh bạch.

ACB khẳng định sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ uy tín và quyền lợi hợp pháp của mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhằm ngăn chặn hành vi phát tán thông tin bịa đặt.

Diễn biến cổ phiếu ACB trong vòng 1 năm qua. (Nguồn: TradingView).

Ngân hàng ACB hiện do ông Trần Hùng Huy giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Huy là con trai Nhà sáng lập, Tổng giám đốc đầu tiên của ACB - ông Trần Mộng Hùng.

Trong lần công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ vào cuối tháng 7/2024, ACB cho biết có 2 cá nhân và 3 tổ chức nắm trên 1% vốn.

Trong đó, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ngân hàng, sở hữu hơn 153 triệu cổ phiếu ACB (tương ứng 3,427% vốn). Bà Đặng Thu Thủy, thành viên HĐQT, mẹ của ông Trần Hùng Huy, sở hữu hơn 53,3 triệu cổ phiếu, tương đương gần 1,2% vốn của nhà băng này.

Như vậy tạm tính theo giá cổ phiếu ACB chốt phiên 6/1, khối tài sản do hai mẹ con Trần Hùng Huy sở hữu trực tiếp khoảng hơn 5.100 tỷ đồng. Con số này chưa tính tới những tổ chức có liên quan đến gia đình Chủ tịch ACB đang sở hữu cổ phần tại ngân hàng này.

Theo Minh Hằng (Tạp chí Lao động & Xã hội)
Nguồn: tapchilaodongxahoi.vn