95% ngân hàng xây dựng chiến lược chuyển đổi số
Tất cả các ngân hàng Việt Nam đã bắt tay xây dựng nền tảng số, tạo bệ phóng tiến đến ngân hàng số toàn diện và dần thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân.
Tại Hội thảo "Ngân hàng số: Xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc" do VTC News phối hợp tổ chức cùng Viện Chiến lược Thông tin & Truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 21/1, các chuyên gia đều có chung quan điểm số hóa là tương lai của ngân hàng Việt, chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn về thị trường, nguồn lực và chính sách để thúc đẩy nhanh quá trình số hóa ngân hàng.
Xu hướng không thể đảo ngược
Ông Lê Anh Dũng, Vụ phó Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua, các ngân hàng trong nước đang bước đi khẩn trương trong chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Tốc độ chuyển đổi số của ngành ngân hàng đang rất mạnh mẽ và đi đúng hướng. Các ngân hàng cũng đã đem lại những trải nghiệm dịch vụ ngân hàng mới mà chúng ta có thể cảm nhận.
“Hiện có 95% tổ chức tín dụng đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, 38% đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp chuyển đổi số trong chiến lược phát triển kinh doanh, công nghệ thông tin”, ông Dũng cho biết.
Tuy vậy chuyển đổi số diễn ra nhanh đặt ra những thách thức cho cơ quan quản lý. 5 thách thức lớn với chuyển đổi số ngân hàng là: Khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng cần xây dựng đồng bộ, tập trung, chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật.
Ngoài ra là sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong hợp tác với ngân hàng, đặt ra các vấn đề như: an ninh an toàn, bảo mật thông tin...
Tội phạm công nghệ cũng là mối nguy lớn, buộc các ngân hàng phải xây dựng hệ thống bảo mật, đảm bảo hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng cũng là một thách thức, theo đó cần thông tin đến người dân để hiểu rõ về lợi ích của ngân hàng số và cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo khi giao dịch ngân hàng số.
Từ đó ông Dũng đề xuất tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ ngành ngân hàng, tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ.
Triển khai các nội dung liên quan đến phát triển ngân hàng số, hợp tác ngân hàng - Fintech, ứng dụng công nghệ thông tin trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.
Cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt là người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, chú trọng nâng cao hiểu biết, kỹ năng tài chính.
Được biết, quý I/2021, cơ quan quản lý sẽ ban hành quy định về chuyển đổi số của ngân hàng, sau khi chiến lược chuyển đổi số quốc gia được ban hành.
Theo ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhiều ngân hàng xem ngân hàng số là trọng tâm phát triển thời gian qua nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cũng như hình thành các sản phẩm, dịch vụ mới.
Ông Vũ cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thúc đẩy nhanh quá trình số hóa ngân hàng. Cụ thể, Việt Nam hiện có trên 50% dân số sở hữu smartphone, 130 triệu thuê bao di động, dân số dưới tuổi 35 chiếm trên 50%, thuê bao Internet khoảng 67%, thời gian sử dụng smartphone trung bình 1 ngày của người Việt là 2 giờ. Tăng trưởng TMĐT đạt tốc đô 30%/năm.
Việt Nam cũng là nền kinh tế số thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng 40%/năm. Dân số trưởng thành không được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng xấp xỉ 50%. Đối tượng không đủ điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng là10%...
“Toàn cầu hóa nền kinh tế và sự gia tăng thu nhập tài chính nhất thiết đòi hỏi sự phát triển kỹ thuật số đầy đủ của các dịch vụ tài chính ngân hàng . Chúng ta hoặc tài chính ngân hàng đổi mới hoặc tổ chức sẽ biến mất”, ông Vũ nhấn mạnh.
Đường đua không điểm cuối
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng số hóa là xu thế tất yếu của ngành ngân hàng. Sự phát triển kỹ thuật số đã và đang thay đổi các nền kinh tế trên toàn cầu với tốc độ chóng mặt. Trong xu thế số hóa mạnh mẽ đó, phát triển ngân hàng số dường như là con đường tất yếu phải đi của các ngân hàng Việt Nam và sự không giới hạn của cuộc cách mạng công nghệ, FinTech là cuộc đua không có điểm dừng.
Việc áp dụng công nghệ số hóa vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng là bước đột phá đặc biệt, giúp người dùng có thể trải nghiệm các dịch vụ tài chính một cách tiện lợi nhất có thể. Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng là xu hướng tất yếu cung cấp đa dạng dịch vụ, tiện ích phục vụ nhu cầu giao dịch, đầu tư và trải nghiệm cuộc sống mỗi ngày cho người dùng.
“Trước sự phát triển của việc ứng dụng công nghệ số, cùng với nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ có yếu tố công nghệ ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là thế hệ trẻ ưa chuộng công nghệ, việc chuyển đổi số là một xu thế tất yếu liên quan đến sự tồn tại và phát triển của các ngân hàng trong môi trường cạnh tranh sâu sắc hiện nay. Và COVID-19 là yếu tố cộng hưởng đẩy nhanh quá trình này”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Không nằm ngoài xu thế chung trên toàn cầu, hiện nay tất cả các ngân hàng Việt Nam đều đã và đang bắt tay vào xây dựng nền tảng số, tạo bệ phóng tiến đến mô hình ngân hàng số toàn diện.
Việc chuyển đổi mô hình truyền thống sang ngân hàng số là tất yếu trong hoạt động của ngân hàng để đáp ứng và phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Xu hướng này càng được củng cố hơn khi đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu đưa tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán giảm về mức 10% vào cuối năm 2020.
Do đó, trong những năm gần đây, thanh toán điện tử được đẩy mạnh, tạo nên làn sóng thúc đẩy phát triển mảng ngân hàng số tại Việt Nam. Xu hướng hiện nay là sẽ có các mô hình kinh doanh mới thay thế cho các mô hình kinh doanh truyền thống.
Theo ước tính của nhiều tổ chức nghiên cứu, đến năm 2025, doanh thu của các dịch vụ truyền thống ngành ngân hàng sẽ dịch chuyển 17 - 34% sang các dịch vụ mới. Đó cũng là xu thế tất yếu diễn ra trên thế giới và sẽ xảy ra ở Việt Nam.
Tuy vậy, khi triển khai ngân hàng số tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, tập trung vào các khía cạnh: Thách thức thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, thiếu các chính sách và quy định pháp luật hỗ trợ, có quá nhiều ưu tiên chồng chéo, dễ gặp rủi ro an ninh mạng… và đặc biệt là thiếu lao động có kỹ năng.
“Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về thị trường, nguồn lực và chính sách để thúc đẩy ngân hàng số lên một tầm cao mới. Tuy vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng cần phải có giải pháp của cả hai phía cơ quan quản lý và ngân hàng”, chuyên gia nhấn mạnh.
Lời giải cho bài toán công nghệ
Theo ông Ngô Trí Long, mấu chốt của ngân hàng số là đầu tư công nghệ. Đầu tư cho công nghệ thường rất tốn kém và dài hạn. Đầu tư phải chuyên sâu, sử dụng các ứng dụng mới nhất nên thực chất vẫn là câu chuyện về cuộc cách mạng về công nghệ.
Nhận định công nghệ mới sẽ tạo nên đột phá quan trọng trong triển khai các dịch vụ ngân hàng mới hiện đại, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng. Tuy nhiên theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng nhỏ không có tiền đầu tư về công nghệ sẽ gặp khó khăn khi chuyển đổi số. Ông Hiếu cho rằng Việt Nam cần có các công ty công nghệ rất lớn để tạo ra các phần mềm cho các ngân hàng.
“Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc các ngân hàng thuê phần mềm từ các công ty lớn như thế? Khi thuê như vậy, các ngân hàng sẽ không phải đầu tư vào công nghệ”, ông Hiếu đặt câu hỏi.
Vẫn theo chuyên gia, ở Việt Nam hiện nay phần mềm chủ yếu được mua từ Ấn Độ và Singapore với giá hàng triệu USD. Trong khi bên Mỹ, các nhà băng không mua một phần mềm nào cả mà chủ yếu đi thuê.
“Các công ty lớn ở bên Mỹ mà làm về ngân hàng thì họ cho các ngân hàng thuê các phần mềm này, các ngân hàng sẽ trả tiền thuê cho các công ty công nghệ. Các công ty công nghệ lớn tại Mỹ sẽ cập nhật các phần mềm từng giờ, từng ngày. Trong khi các ngân hàng ở Việt Nam không thể cập nhật như vậy được”, ông Hiếu cho hay.
Bà Đỗ Tuyết Trinh, đại diện ngân hàng HDBank, cho biết ở HDBank, công cuộc chuyển đổi số được đặt lên hàng đầu, đây là mục tiêu quan trọng nhất. Trước đây có rất nhiều quy trình về thanh toán, tiết kiệm phải làm tay. Nhưng 1, 2 năm trở lại đây, ngân hàng đã đầu tư rất nhiều về công nghệ, khoa học công nghệ và con người.
"HDBank mới đây được Ngân hàng Nhà nước cho mở tài khoản thanh toán thông qua công nghệ định danh điện tử eKYC. Trong 4 tháng thực hiện thí điểm vừa qua, chúng tôi đã mở được 40.000 tài khoản. Ngoài ra chúng tôi cũng tiến hành hoạt động mở QR code", bà Trinh cho biết.
Theo bà Trinh, HDBank đang đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, thuê những chuyên gia công nghệ giỏi nhất, huấn luyện nhân viên tiếp xúc với khách hàng. Tuân thủ các quy định chặt chẽ để bảo mật, bảo đảm an toàn tối đa cho khách hàng.
"Chúng tôi cũng truyền thông đến khách hàng để họ có thể sử dụng app mọi lúc mọi nơi, không cần đến ngân hàng. Tương lai, hệ thống mạng lưới ngân hàng sẽ thu hẹp dần, mà sẽ thông qua kênh online và telesales. Hiện kênh mạng lưới chiếm 70%, sau này sẽ giảm chỉ còn 30%", bà Trinh khẳng định.
HÒA BÌNH
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường