25.000 tỷ đồng 'cứu' sân bay Tân Sơn Nhất
Bộ GTVT đã quyết định giữ nguyên hai đường cất hạ cánh hiện hữu, xây thêm nhà ga T3 ở phía Nam, nhà ga hàng hóa, khu hậu cần, trạm xăng dầu, đường lăn, sân đỗ tàu bay ở phía Bắc trên khu đất sân golf và đất quân đội bàn giao để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt khách/năm.
Chiều 1/10, Bộ GTVT và UBND TP.HCM tổ chức công bố quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN) giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Lăn ra, lăn vào và lòng vòng trên trời
Đại diện Công ty Tư vấn và thiết kế xây dựng công trình hàng không cho biết việc điều chỉnh quy hoạch sân bay TSN là rất cần thiết và cấp bách. Sân bay được xây dựng từ 1965 với hai đường cất hạ cánh khai thác lệ thuộc và 55 vị trí đỗ tàu bay, công suất thiết kế 25 triệu lượt khách/năm.
Trước tình trạng tăng trưởng “nóng”, ngành hàng không đã cải tạo nhà ga T1 (quốc nội), T2 (quốc tế) nâng tổng công suất lên 28 triệu khách. Tuy nhiên, năm 2017, sân bay TSN đã đón hơn 36 triệu lượt khách/năm.
Nhà ga T1 đang bị khai thác vượt 1,5 lần công suất thiết kế và hai đường cất hạ cánh chỉ đáp ứng 44 chuyến/giờ nên thực tế có nhiều chuyến máy bay đã lăn ra đường lăn chờ lệnh cất cánh lại phải lăn vào vị trí đỗ. Trong khi đó, nhiều chuyến bay không thể đáp xuống, phải bay chờ lòng vòng trên trời.
Xây nhà ga mới 16 ha
Đại diện Công ty Tư vấn và thiết kế xây dựng công trình hàng không cho hay, tổng kinh phí đầu tư xây dựng khi thực hiện quy hoạch điều chỉnh lên tới 25.000 tỷ đồng (chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng). Vị này đồng tình với quy hoạch điều chỉnh, đó là xây nhà ga hàng hóa, khu hậu cần, trạm xăng dầu… ở phía Bắc và nhà ga hành khách T3 công suất khoảng 20 triệu khách/năm ở phía Nam. Hai nhà ga T1, T2 hiện hữu có thể cải tạo, nâng tổng công suất phục vụ lên 30 triệu khách/năm. Sau khi hoàn thành, sân bay TSN có thể phục vụ 15.000 lượt khách/giờ cao điểm. Nhà ga hàng hóa xây phía Bắc sẽ đạt 1 triệu tấn/năm.
“16,05 ha đất xây dựng nhà ga T3 có thể lấy đất của các đơn vị, đất quốc phòng và một phần đất của trại Davis cũ. Từ diện tích đất quân đội bàn giao, có thể xây dựng khu logistic, trạm xăng, hồ điều hòa, trạm bơm cưỡng bức (1,6 ha) đưa nước mưa ra kênh Hy Vọng để chống ngập. Vấn đề quan trọng không kém là phải xây dựng đường giao thông kết nối ba nhà ga T1, T2, T3, nhà ga T3 với hệ thống đường giao thông của thành phố”, ông này cho hay.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, sân bay TSN sau khi điều chỉnh quy hoạch sẽ có tổng diện tích 791 ha. Sân bay sẽ mở rộng ra phía Bắc (khu vực đất sân golf và các đơn vị quân đội) 171 ha. Bộ Quốc phòng đã bàn giao cho Bộ GTVT gần 20 ha để xây dựng đường lăn, sân đỗ máy bay.
Tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, sân bay TSN sẽ tồn tại song song cùng với sân bay Long Thành nên quy hoạch cần bền vững và hướng đến mục tiêu lâu dài, tránh tình trạng điều chỉnh nhiều lần. Quy hoạch điều chỉnh không chỉ nhằm nâng cấp, giải quyết quá tải sân bay mà còn khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ sân bay.
Huy Thịnh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội