10 điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2017

Thứ sáu, 02/02/2018, 06:20 AM

Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua và cao hơn mục tiêu 6,7%, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 3,53%.

Việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN liên tục được các tổ chức quốc tế như Moody’s, Ngân hàng Thế giới đánh giá cao. Báo Người Tiêu Dùng điểm lại 10 điểm sáng trong việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2017.

1. Kiểm soát lạm phát

NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ để kiểm soát tốt tiền tệ, đến cuối năm 2017, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng khoảng 14,91%.

Chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách quản lý giá của Nhà nước, đã giúp kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 3,53%, thấp hơn mục tiêu 4% của Quốc hội.

2. Tín dụng tăng 18,17%

NHNN đã điều hành tín dụng tăng trưởng tích cực ngay từ những tháng đầu năm 2017 để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhờ đó, đến cuối năm 2017, tín dụng đã tăng 18,17%, phù hợp với định hướng đề ra từ đầu năm. Đặc biệt, tín dụng được tập trung vào sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% cao nhất trong 10 năm và cao hơn mục tiêu 6,7%.

Biểu đồ: Tốc độ tăng trưởng tín dụng của một số ngành trong năm 2017

Biểu đồ: Tốc độ tăng trưởng tín dụng của một số ngành trong năm 2017

3. Lãi suất ổn định

Mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định trong khi lãi suất cho vay giảm khoảng 0,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất một số chương trình tín dụng giảm khoảng 0,5-1%/năm; tính chung từ năm 2011 đến nay, lãi suất cho vay đã giảm được 11-14%/năm, cao hơn mức giảm từ 7-10%/năm lãi suất huy động.

4. Thanh khoản hệ thống ổn định

NHNN điều tiết tiền tệ nhịp nhàng, hợp lý, nhất là điều hành thông qua nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt 2 chiều: Đưa tiền ra trong những thời điểm thị trường thiếu hụt thanh khoản, hút tiền về kịp thời khi có dư thừa thanh khoản.

Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng ổn định, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, giảm áp lực lên lãi suất huy động, giúp các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn trong hoạt động với chi phí ổn định.

5. Tỷ giá ổn định

Trong năm 2017, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ phù hợp với diễn biến thị trường để mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối.

Duy trì chênh lệch lãi suất VNĐ và USD ở mức hợp lý, điều hành thanh khoản tiền đồng để vừa hỗ trợ ổn định tỷ giá khi cần thiết, vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất trên thị trường 1, nâng cao giá trị và vị thế của VNĐ. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định.

Biểu đồ: Tỷ giá USD và EUR trong năm 2017. Trong đó, tỷ giá USD chỉ biến động trong biên độ hẹp 22.590 - 22.880 đồng/USD.

Biểu đồ: Tỷ giá USD và EUR trong năm 2017. Trong đó, tỷ giá USD chỉ biến động trong biên độ hẹp 22.590 - 22.880 đồng/USD.

6. Vị thế tiền Việt được nâng cao

Dự trữ ngoại hối năm 2017 của Việt Nam tăng kỷ lục, đạt hơn 54 tỷ USD đã góp phần củng cố vị thế, uy tín quốc gia, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào nước ta.

7. Thị trường vàng tiếp tục diễn biến ổn định

Năm 2017, giá vàng trong nước biến động trong biên hộ hẹp ngay cả khi giá vàng quốc tế diễn biến phức tạp. Nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, không xuất hiện các “cơn sốt” vàng miếng.

Do đó, thị trường không còn tình trạng đầu cơ vàng miếng gây bất ổn đến tỷ giá, nguồn vốn bằng vàng đã bước đầu được chuyển hóa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

8. Sở hữu chéo được xử lý triệt để

NHNN đã chỉ đạo và giám sát các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm, giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua yêu cầu chuyển nhượng, sáp nhập, thoái vốn các tổ chức tín dụng. 

Đến nay không còn cá nhân sở hữu trên 50% cổ phần tại ngân hàng thương mại cổ phần. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp từ 56 cặp năm 2012 hiện nay chỉ còn 2 cặp… 

9. Quyết liệt xử lý nợ xấu và tái cơ cấu

NHNN xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020.

NHNN đã khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” và chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thuộc trách nhiệm của ngành ngân hàng.

Có thể thấy, sau khi có Nghị quyết 42, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng thuận lợi hơn khi nhiều rào cản trong xử lý nợ xấu được dỡ bỏ. 

10. Tính minh bạch và quyết liệt của lãnh đạo NHNN Việt Nam

Tháng 11/2017, lần đầu tiên Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vất trước Quốc hội. Phần trả lời của Thống đốc được đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại phiên chất vất của Quốc hội vào tháng 11/2017

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại phiên chất vất của Quốc hội vào tháng 11/2017

Người tiêu dùng cả nước đã quen thuộc với hình ảnh Thống đốc và các Phó Thống đốc liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng để định hướng dư luận, dẫn dắt niềm tin công chúng bằng hành động, đây cũng chính là phong cách điều hành chính sách tiền tệ tương tự mô hình tại các quốc gia phát triển trên thế giới. Chính sự dũng cảm của Thống đốc khi mạnh dạn đương đầu trước những thách thức này đã giúp người dân giữ vững được niềm tin vào hệ thống ngân hàng Việt Nam và quá trình điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. 

Nguyễn Như

Theo NTD

largeer