Xuất khẩu lao đao do tiêu chuẩn hàng Việt lệch với quốc tế

Thứ năm, 02/05/2019, 09:59 AM

Hiện có không ít sản phẩm đạt các tiêu chuẩn của quốc gia nhưng khi xuất khẩu lại không đáp ứng được các quy chuẩn của quốc tế, nên hàng bị trả về. Tình trạng này làm ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu của các doanh nghiệp và buộc các cơ quan quản lý đang phải nhanh chóng tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Việt Nam còn nhiều tiêu chuẩn chưa đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế, gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Việt Nam còn nhiều tiêu chuẩn chưa đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế, gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đạt chuẩn Việt Nam, quốc tế trả lại

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, cho biết trong nhiều năm qua hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chao đảo và mất ổn định sau những lần bị từ chối nhập khẩu từ các thị trường lớn và khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Úc...

Cuối năm 2016, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo Việt Nam đã rất xôn xao trước thông tin phía Mỹ cảnh báo và trả về nhiều lô hàng gạo xuất khẩu vào thị trường này. Không chỉ gạo, cũng trong năm 2016, Việt Nam đã có hơn 500 lô hàng thủy sản bị Mỹ, Úc, Nhật và EU trả về. Đầu năm 2017, Úc đã có lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ Việt Nam.

Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Saigon Food, nói rằng với những lô hàng bị trả về không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, mà còn thiệt hại rất lớn về tài chính. Có những trường hợp chúng ta có thể xử lý để tái xuất nhưng cũng có những trường hợp phải hủy cả lô hàng...

Theo đại diện Tổng cục Đo lường Tiêu chuẩn Chất lượng, ước tính thiệt hại về tài chính mỗi năm của các lô hàng bị trả về lên đến 14 triệu USD/năm. Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là con số chính xác về những tổn thất mà doanh nghiệp phải gánh lấy từ các đơn hàng bị trả về này.

Doanh nghiệp vốn đã phải tiêu tốn một khoản chi phí không nhỏ để đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam. Thế nhưng, việc tuân thủ của doanh nghiệp lại không dễ dàng khi có những quy định không có trong luật. Đơn cử như quy định “công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP không có trong Luật An toàn Thực phẩm. Do đó, các chuyên gia cho rằng, những quy định chồng chéo và bất hợp lý này đang khiến doanh nghiệp phát sinh rất nhiều chi phí trong hoạt động xuất khẩu, trong khi việc đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu ngày càng khắt khe.

Hiện nay, ngoài việc đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu thì doanh nghiệp cũng phải tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm trong nước, mặc dù sản phẩm đó không tiêu thụ tại Việt Nam. Doanh nghiệp mất rất nhiều công sức và tiền bạc.

Các chuyên gia cũng thừa nhận rằng, kết quả kiểm nghiệm của các tiêu chuẩn, quy chuẩn này lại có sai số khá cao, thậm chí không chính xác khiến doanh nghiệp lao đao khi đối tác thử nghiệm và trả về kết quả “không đạt yêu cầu”.

Empty
Việt Nam hiện đang nằm trong số 3 quốc gia có số lượng hàng thủy sản bị trả về nhiều nhất tại các thị trường EU, Mỹ, Úc và Nhật. (Ảnh: Kim Ngọc).

Việt Nam hiện đang nằm trong số 3 quốc gia có số lượng hàng thủy sản bị trả về nhiều nhất tại các thị trường EU, Mỹ, Úc và Nhật. (Ảnh: Kim Ngọc).

Chỉ đáp ứng 75% các tiêu chuẩn quốc tế

Thống kê của Tổng cục Đo lường Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho thấy, hiện nay Việt Nam có khoảng 795 tiêu chuẩn và 97 quy chuẩn về chất lượng hàng hóa đạt chuẩn trong nước. Song con số này vẫn chỉ mới đạt 75% với các tiêu chuẩn của quốc tế về các tiêu chí chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Với 25% các tiêu chuẩn chưa đồng bộ còn lại gây nhiều khó khăn cho đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Vũ Thế Thành, tư vấn kỹ thuật Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập cho biết mỗi quốc gia đều có tiêu chuẩn riêng, cụ thể được áp dụng trên nhiều lĩnh vực như PGS, Global Gap trong nông nghiệp; ISO, HACCP trong công nghiệp, dịch vụ... Và tùy từng quốc gia mà định lượng của những tiêu chuẩn này áp dụng cho phù hợp. Chính vì vậy, dù các doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong việc thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng đưa ra để xuất khẩu thuận lợi nhưng thực tế khi ra đến nước nhập khẩu lại không được chấp nhận.

Theo ông Thành, hiện nay một số tiêu chuẩn được đánh giá là hiệu quả tại Việt Nam như Viet Gap thì lại không được quốc tế thừa nhận... Ví dụ muốn tiêu thụ nông sản ở Anh phải đáp ứng tiêu chuẩn BAC, tiêu thụ ở Pháp tuân thủ quy định IFS... gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Ví dụ ở Nhật họ lấy theo tiêu chuẩn khí thải chuẩn quốc tế là dưới 1.400ppM còn ở Việt Nam lại yêu cầu dưới 800ppM. Còn tiêu chuẩn ngắt ga ở Nhật là từ 4-6kg, Hàn Quốc là 5-7kg còn ở Việt Nam là 7-9kg. Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong đầu tư kỹ thuật, thiết bị nhằm đáp ứng.

Những tiêu chuẩn áp dụng trong nông nghiệp như Global Gap, Viet Gap... theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, thành viên Liên minh nông nghiệp Việt, còn thấp hơn các tiêu chuẩn ISO, HACCP... thì không thể nào đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Sự khác biệt về tiêu chuẩn của từng quốc gia đã là khó. Các tổ chức đo lường tiêu chuẩn chất lượng trong nước không đủ uy tín để được các nước nhập khẩu trên thế giới thừa nhận. Bên cạnh đó, một số công ty vì muốn giảm chi phí nên tìm cách gian lận thương mại, không đáp ứng quy định cả trong nước lẫn quốc tế, khiến việc xuất khẩu của các doanh nghiệp chân chính đã khó còn khó hơn.

NGUYỄN NGỌC

Theo NTD