Xuất khẩu gạo Châu Á có tín hiệu hồi phục

Thứ sáu, 27/08/2021, 20:34 PM

Đại dịch Covid-19 tái bùng phát ở Châu Á – trung tâm sản xuất, tiêu thụ và xuất nhập khẩu gạo của thế giới – đã khiến cho giao dịch gạo thế giới gần như tê liệt, đẩy giá giảm xuống mức thấp kỷ lục.

photo1629999165569-1629999165671934508252

Trung tuần tháng 8/2021, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm xuống thấp nhất 4,5 năm, gạo Thái Lan thấp nhất hơn 2 năm, trong khi gạo Việt Nam thấp nhất 1,5 năm, chủ yếu do cước phí vận chuyển quá cao. Điều này khiến giá gạo nhập khẩu ở thời điểm hiện tại trở nên quá đắt, buộc các khách hàng phải tạm dừng các kế hoạch nhập khẩu để chờ thị trường logistics hạ nhiệt.

Theo đó, cước vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan đến New York đã tăng lên 18.000 USD/container hiện nay, từ mức 3.000 - 4.000 USD hồi trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, sang tuần này, thị trường gạo Châu Á đã có tín hiệu hồi phục khi khách hàng bắt đầu quay trở lại với gạo Ấn Độ, bị hấp dẫn bởi giá giảm thấp, mặc dù chi phí vận chuyển cao tiếp tục cản trở xuất khẩu hồi phục mạnh.

Tuy nhiên, Ấn Độ mới chỉ bán được cho khách hàng Châu Phi bởi gần về mặt địa lý (giúp giảm chi phí chuyên chở), còn các thị trường Châu Á khác vẫn chìm trong khó khăn do Covid-19 diễn biến phức tạp.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này cũng tăng nhẹ lên 390- 403 USD/tấn, từ mức 387- 400 USD/tấn cách đây một tuần, nhưng do đồng bath mạnh lên (baht tăng giá gần 2% trong vòng một tuần qua), trong khi nhu cầu vẫn trì trệ.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết xuất khẩu gạo của nước này trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 2,8 triệu tấn, tương đương trung bình 400.000 tấn/tháng, thấp hơn mức xuất khẩu trung bình mục tiêu là 500.000 tấn/tháng (tương đương 3,5 triệu tấn) cùng kỳ năm trước.

Bộ Thương mại nước này đang nỗ lực xúc tiến xuất khẩu gạo nhằm mục tiêu đạt 6 triệu tấn, tương đương trung bình 600.000 - 700.000 tấn/tháng.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần này không thay đổi so với tuần trước, nhưng vẫn ở mức thấp nhất 1,5 năm, loại 5% tấm là 385 USD/tấn trong bối cảnh nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL tiếp tục giãn cách xã hội để chống Covid-19, khiến cho hoạt động giao hàng của các nhà xuất khẩu buộc phải trì hoãn lại. Dịch bệnh cũng khiến các thương lái khó khăn trong việc vận chuyển lúa thu mua, và khiến các thương nhân do dự trong việc ký các hợp đồng xuất khẩu mới, vì sợ không thu mua đủ gạo đúng hạn.

Giá gạo Châu Á đang ở mức thấp nhất nhiều năm

Giá gạo Châu Á đang ở mức thấp nhất nhiều năm

Giá gạo Châu Á đang ở mức thấp nhất nhiều nămGiá xuất khẩu gạo gần đây giảm theo xu hướng chung của khu vực đã khiến kim ngạch xuất khẩu gạo giảm trong tháng 7/2021 mặc dù khối lượng vẫn tăng nhẹ.

Theo đó, xuất khẩu gạo trong tháng 7/2021 đạt 464.792 tấn, trị giá 240,15 triệu USD, giá trung bình 526,7 USD/tấn; tăng 6,6% về lượng so với tháng 6/2021, nhưng giảm nhẹ 0,6% về kim ngạch và giảm 6,7% về giá. So với tháng 7/2020 giảm 2,9% về lượng, nhưng tăng 3,6% kim ngạch và tăng 6,7% về giá. Xuất khẩu sang Bờ biển Ngà tháng 7 tăng trưởng rất mạnh so với tháng 6/2021 đã kéo xuất khẩu chung tăng, mặc dù xuất khẩu sang nhiều thị trường khác sụt giảm.

 Theo đó, xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà tháng 7 tăng 1.115% về lượng và tăng 911,6% kim ngạch, đạt 62.989 tấn, trị giá 32,35 triệu USD, mặc dù giá giảm 16,8%, đạt trung bình 513,6 USD/tấn. Nhờ Ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh 36,3% về lượng, giảm 46,9% kim ngạch và giảm 16,7% về giá, đạt 62.508 tấn, trị giá 29,59 triệu USD, giá 473,5 USD/tấn.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2021 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 3,49 triệu tấn, trị giá gần 1,89 tỷ USD, giá trung bình đạt 540,7 USD/tấn, giảm 12,7% về lượng so với cùng kỳ năm 2020, giảm 3,1% về kim ngạch, nhưng giá tăng 11%.

Philippines tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng xuất khẩu gạo của cả nước, chiếm 36,4% trong tổng lượng và chiếm 35,3% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu trong 7 tháng, đạt trên 1,27 triệu tấn, kim ngạch 665,72 triệu USD, giá trung bình 523,9 USD/tấn, giảm 15% về lượng, giảm 3,3% về kim ngạch, nhưng tăng 13,8% về giá so với 7 tháng đầu năm 2020.

Từ nay đến cuối năm, cạnh tranh xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines dự kiến sẽ tăng cao do dự kiến sản lượng nhập khẩu của quốc gia này sẽ giảm 14%, xuống còn 2,1 triệu tấn khi ngành lúa gạo năm nay được mùa, USDA dự báo sản lượng nội địa của Philippines sẽ đạt 12,4 triệu tấn, tăng 4%. Là một thị trường truyền thống quan trọng của Việt Nam, biến động trong nhu cầu gạo của Philippines sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Trung Quốc đứng vị trí thứ 2 trong số các thị trường nhập khẩu gạo của nước ta trong 7 tháng đầu năm nay, mặc dù khối lượng và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng nhưng giá xuất khẩu lại giảm. Cụ thể, khối lượng đạt 643.351 tấn, kim ngạch 338,21 triệu USD, giá trung bình 525,7 USD/tấn, tăng 30,5% về lượng, tăng 15,3% về kim ngạch, nhưng giảm 11,6% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 18% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà trong 7 tháng đạt 267.549 tấn, kim ngạch 136,51 triệu USD, giá 510,2 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 1%, 16% và 15% so với cùng kỳ năm trước, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gạo sang thị trường Bangladesh tăng rất mạnh 9.322,8% về lượng, tăng 10.972% kim ngạch, tăng 17,5% về giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 52.862 tấn, trị giá 31,97 triệu USD, giá 604,8 USD/tấn. Ngược lại, xuất khẩu sang Malasysia giảm rất mạnh, giảm 59,7% về lượng, giảm 50,5% về kim ngạch, nhưng tăng mạnh 22,7% về giá, đạt 166.673 tấn, trị giá 87,37 triệu USD, giá 524,2 USD/tấn, chiếm gần 5% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của nước.

Giá và xuất nhập khẩu gạo thế giới trong thời gian tới dự báo sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19, làm cho cước phí vận chuyển tăng và việc vận chuyển gặp khó khăn. Nhiều khả năng thị trường sẽ còn tiếp tục ảm đạm bởi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng ở Châu Á, buộc các thị trường phải thực hiện các biện pháp hạn chế để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, sau giai đoạn giảm này, dự báo giá sẽ hồi phục, khi dịch bệnh giảm dần và cước phí vận tải giảm xuống, khiến các khách hàng quay trở lại thị trường để ký hợp đồng mua mới, giúp tăng khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6 - 6,2 triệu tấn gạo trong năm nay.

Các thị trường dự kiến sẽ có tiềm năng nhập khẩu trong thời gian tới là Trung Quốc, Bangladesh, Malaysia và Hàn Quốc.

Tham khảo: Refinitiv

Thu Ngân

Theo nhipsongkinhte.toquoc.vn