Xuất khẩu da giày giảm sâu vì Covid-19
Tháng 9, xuất khẩu giày dép chỉ đạt khoảng 700 triệu USD, giảm hơn 44% so với cùng kỳ 2020, theo dữ liệu của Lefaso.
Trong khi đó xuất khẩu túi xách cũng giảm 48%, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tháng 9 giảm gần 24% so với cùng kỳ.
Nhưng nhờ đà tăng trong nửa đầu năm nên luỹ kế 9 tháng xuất khẩu giày dép, túi xách vẫn có tăng trưởng dương. Theo đó, tính chung 9 tháng xuất khẩu giày dép đạt hơn 13,3 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2020, còn túi xách đạt kim ngạch gần 2,24 tỷ USD, giảm 3,7%.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của giày dép Việt Nam với tỷ trọng 41%, túi xách 44%. EU đứng thứ 2 với thị phần gần 23% giày dép, 22% túi xách...
Theo Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso), nguyên nhân khiến xuất khẩu giày dép, túi xách sụt giảm trong những tháng qua do dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ đầu tháng 5 đến nay và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất tại các tỉnh phía Nam.
80% các nhà máy sản xuất tại khu vực phía Nam (TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang...), nơi tập trung phần lớn các doanh nghiệp sản xuất da giày, đã phải đóng cửa do việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài tại các địa phương để chống dịch. Đây là số doanh nghiệp chiếm 70% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Tại miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp da giày chỉ hoạt động từ 50-80% công suất và thiếu lao động, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, chi phí xét nghiệm, lo ăn, ở "3 tại chỗ" cho người lao động.
Mặt khác, Lefaso cũng nêu nguyên nhân là tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao gấp 5-10 lần, xảy ra từ năm 2020 đến nay chưa trở về bình thường, cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao... đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Hiệp hội này cũng nhận xét, do nhiều nguyên nhân khiến những chính sách hỗ trợ khó khăn vì Covid-19 chưa đến được với doanh nghiệp. "Quy định về điều kiện được thụ hưởng quá chặt chẽ và thủ tục hành chính phiền phức, đã khiến doanh nghiệp khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ này", Lefaso nêu.
Từ cuối tháng 9, tình hình cải thiện, nhưng việc phục hồi sản xuất trong điều kiện "bình thường mới" trên tinh thần sống chung với Covid-19 sẽ phải mất nhiều tháng mới có thể trở lại mức trước khi xảy ra dịch bệnh.
Giống như những ngành sử dụng nhiều lao động khác như dệt may, thuỷ sản... da giày đang phải đối diện với việc thiếu lao động trầm trọng để phục hồi sản xuất trước làn sóng nhiều người bỏ về quê khi các tỉnh phía Nam nới giãn cách xã hội.
Lúc này, Lefaso khuyến nghị các doanh nghiệp da giày cần tiết giảm chi phí, tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và tinh thần để thu hút lao động trở lại làm việc, trên cơ sở tuân thủ các quy định về an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cùng đó, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định FTA (nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu trong các tháng cuối năm 2021.
Anh Minh
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở