Xoay xở thưởng Tết

Thứ năm, 09/12/2021, 09:30 AM

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong năm 2021, các chuyên gia, doanh nghiệp dự báo việc thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ rất khó khăn

Nhận định về "bức tranh" thưởng Tết năm nay, tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết kinh tế đất nước đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) lao đao do dịch Covid-19. "Tuy nhiên, qua nắm thông tin, rất nhiều DN đang nỗ lực ở mức cao nhất, chia sẻ lợi nhuận, thậm chí chấp nhận cả việc chưa lãi hoặc lỗ, để NLĐ có một cái Tết cơ bản. Đây chính là động lực để NLĐ gắn bó, chia sẻ khó khăn với DN. Chăm lo Tết cũng là một cách giữ chân NLĐ trong bối cảnh thiếu lao động như hiện nay" - ông Hiểu nhấn mạnh.

Sẻ chia với người lao động

Du lịch là một trong những ngành chịu tác động và thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Dù ngành du lịch đang khởi động lại với thị trường nội địa và bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế ở một số địa phương, song hoạt động của các DN còn rất nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của NLĐ.

Theo ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Kiwi (TP HCM), nếu như năm 2020, DN du lịch còn hoạt động được vài tháng thì sang năm 2021 đã giẫm chân tại chỗ. "12 tháng qua, DN chỉ thực sự hoạt động và có khách trong khoảng 2 tháng. Nhân sự cắt giảm dần rồi giảm lương, khi không thể gồng nổi trong nhiều tháng giãn cách thì cho NLĐ tạm nghỉ. Có thể nói, muôn vàn khó khăn bủa vây NLĐ lẫn DN" - ông Huy bộc bạch.

Trong bối cảnh việc mở cửa và hồi phục của du lịch còn chậm, Công ty Kiwi chỉ duy trì khoảng 30% nhân sự ở bộ phận văn phòng; riêng đội ngũ hướng dẫn viên đã phải tự xoay xở chuyển sang những lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng hơn như bất động sản, bảo hiểm... Một cái Tết chắc hẳn không trọn vẹn nhưng lãnh đạo Công ty Kiwi cho biết sẽ có những phần quà và một khoản tiền nhỏ nhằm sẻ chia khó khăn với nhân viên.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, dự báo mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ thấp hơn năm ngoái Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, dự báo mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ thấp hơn năm ngoái Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành Fiditour - Vietluxtour (TP HCM), cho hay vài ngày trước, lãnh đạo công ty đã trao đổi với Công đoàn cơ sở nhằm giải bài toán lương, thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên. Những năm trước, công ty đều có lương tháng 13, tiền thưởng Tết và tiệc cuối năm cho toàn thể nhân viên. Năm nay, công ty dự tính có một phần quà, kèm một khoản thưởng Tết nhỏ và lì xì sau Tết…

"Đây là sự cố gắng rất lớn vì năm nay, DN đối diện quá nhiều thách thức. Dù vậy, đội ngũ cán bộ, nhân viên đã đồng hành với công ty trong suốt giai đoạn khó khăn vừa qua nên cũng không thể không có phần quà Tết cho họ" - ông Dũng bày tỏ.

Theo Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, đến nay, khoảng 10% - 15% DN du lịch đã mở cửa trở lại nhưng chủ yếu để duy trì hoạt động chứ không có khách, không có doanh thu. Quan trọng nhất bây giờ đối với DN là duy trì thu nhập tối thiểu và giữ được việc làm cho NLĐ.

Cốt lõi là giữ việc làm

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết nói đến thưởng Tết ở thời điểm hiện nay là còn quá sớm, rất khó để đưa ra nhận định về dự kiến mức thưởng so với các năm. Tuy nhiên, trước những tác động của dịch bệnh, tình hình thưởng Tết năm 2022 sẽ rất khó khăn.

"Qua trao đổi với NLĐ tại các DN, chúng tôi được biết dù có được thưởng Tết hay không thì họ cũng chia sẻ với DN trong bối cảnh hiện nay. Mục tiêu trước mắt là giữ được việc làm, thu nhập để bảo đảm cuộc sống cho NLĐ và vì sự phát triển chung của DN" - ông Thành nhìn nhận.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về việc DN phải chi trả lương tháng 13 cho NLĐ. Tuy nhiên, nếu giữa NLĐ và người sử dụng lao động có thỏa thuận về lương tháng 13 trong hợp đồng lao động hoặc ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì DN bắt buộc phải chi trả khoản tiền này.

Năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, bà Hương dự kiến nhiều ngành nghề có thể không có thưởng Tết. Trong bối cảnh đó, NLĐ và DN nên cùng chia sẻ với nhau, bởi khi tình hình dịch còn diễn biến phức tạp thì giữ được việc làm là điều quý giá nhất.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP May 10 - Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết thu nhập bình quân của NLĐ năm 2021 tăng khoảng 9% so với năm 2020 khi công ty có chính sách hỗ trợ thêm NLĐ trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh. Là ngành có số lao động đông, công ty phải thực hiện "3 tại chỗ" để bảo đảm các đơn hàng mùa vụ nên chi phí phòng dịch tăng cao. Bởi vậy, doanh thu năm nay dù có tăng hơn năm trước nhưng lợi nhuận cũng chỉ tương đương. "Mức thưởng Tết năm nay sẽ cố gắng duy trì bằng năm trước, khoảng 1,5 tháng lương, để động viên NLĐ" - ông Việt nói.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định đến thời điểm này vẫn khó dự báo cụ thể mức thưởng Tết của các DN trong ngành vì tất cả đang tập trung sản xuất, hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Việc thưởng Tết sẽ tùy thuộc vào doanh số và tình hình làm ăn tới hết năm 2021 của từng DN. Mức thưởng có thể bằng tiền mặt, hiện vật hoặc bằng các hình thức khác theo quy chế đã công bố của DN. Tuy nhiên, đối với ngành dệt may, NLĐ chính là xương sống nên việc thưởng Tết cũng được ưu tiên.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết hiện chỉ có tối đa 50% số phương tiện, xe khách liên tỉnh hoạt động; 50% còn lại gặp khó khăn về tài chính, khó có thể quay lại thị trường. Chưa kể, nhiều DN vừa quay trở lại đã gặp ngay khó khăn khi giá xăng dầu liên tiếp tăng cao. "Thời điểm này hằng năm, các DN đã tính tới thưởng Tết nhưng năm nay, lo có việc làm cho NLĐ để có thu nhập đã là may mắn" - ông Hùng nhận xét. 

Thưởng Tết sẽ giảm

Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhận định năm nay, việc làm và thu nhập của NLĐ sụt giảm so với năm trước do ảnh hưởng dịch Covid-19. Do đó, về tổng thể, tình hình thưởng Tết sẽ giảm song các DN còn hoạt động sẽ có các khoản hỗ trợ, thưởng để động viên và giữ chân NLĐ sau 1 năm vất vả. Các lĩnh vực vẫn còn khó khăn là du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ vận tải hành khách... Tuy nhiên, với một số lĩnh vực vẫn hoạt động tốt như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, ôtô, y tế, dược phẩm, thương mại điện tử... thì lương, thưởng Tết sẽ khả quan.

Kỳ tới: Mong một cái Tết đủ đầy

NHÓM PHÓNG VIÊN

Theo nld.com.vn