Xét nghiệm máu tìm... ung thư: Thận trọng trước những lời quảng cáo

Thứ bảy, 30/09/2023, 10:01 AM

Hiện nay, nhiều cơ sở quảng cáo rầm rộ các dịch vụ xét nghiệm máu phát hiện sớm bệnh ung thư với những lời chào mời “hấp dẫn, chính xác, sử dụng công nghệ của các nước tiên tiến…”. Tuy nhiên, các chuyên gia ung bướu khuyến cáo, việc xét nghiệm này gây tốn kém và không mang nhiều hiệu quả.

Lạc vào ma trận

Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm trên mạng về xét nghiệm, tầm soát ung thư, kết quả trả về là vô số thông tin, cơ sở quảng bá thực hiện kỹ thuật này. Trên YouTube, TikTok, nhiều clip cũng được lồng ghép quảng cáo không được kiểm chứng, kiểm định rõ ràng về các phương pháp xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư.

Qua tìm hiểu của phóng viên, phòng khám Careplus (66-68 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM) quảng cáo 100% vốn từ Singapore, thành viên của Tập đoàn Y khoa Singapore (SMG), được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, mua trực tiếp từ Mỹ, Nhật.

Đơn vị quảng cáo có thể xét nghiệm và chẩn đoán hơn 1.000 chỉ số sức khỏe với các gói xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư, có mức giá 2,4 triệu đồng dành cho nam và 2,8 triệu đồng dành cho nữ; còn các gói tầm soát ung thư có giá 4,5-11,2 triệu đồng.

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare (37 Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình, TPHCM) quảng cáo gói khám tầm soát ung thư gồm các hạng mục thăm khám: tầm soát dấu ấn ung thư phổi, gan, tiền liệt tuyến, dạ dày, tuyến giáp, vú, buồng trứng, cổ tử cung…; có giá 8 triệu đồng với nam và 9,5 triệu đồng với nữ.

Nhiều cơ sở y tế tư nhân còn chạy quảng cáo trên Facebook về gói tầm soát ung thư toàn thân, gồm hơn 90 xét nghiệm liên quan, với sự đảm bảo phát hiện tất cả bệnh ung thư (nếu có) cùng lời khẳng định “chỉ cần xét nghiệm máu là có thể phát hiện ung thư”.

Là nạn nhân của việc tầm soát ung thư bằng xét nghiệm máu tại một phòng khám trên địa bàn quận 1, TPHCM, ông N.V.N. (52 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) cho biết, ông mất ăn, mất ngủ sau khi nhận kết quả xét nghiệm trả về có chỉ số CA19-9 tăng cao, nghi ngờ mắc ung thư tuyến tụy. Ngay lập tức, ông nói gia đình chở lên Bệnh viện Ung bướu TPHCM để thăm khám. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ đánh giá ông T. không có dấu hiệu và biểu hiện của bệnh ung thư.

Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM đang chụp CT cho người bệnh

Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM đang chụp CT cho người bệnh

Bác sĩ Võ Đức Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, chia sẻ: “Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân đến tầm soát vì nhận được kết quả xét nghiệm máu nghi ngờ mắc ung thư. Họ rất hoang mang, thậm chí mất ngủ, chán ăn, sợ sệt, trầm cảm vì nghĩ mình bị ung thư. Với các trường hợp như vậy, chúng tôi xem xét kỹ và tư vấn để người bệnh hiểu, an tâm và tiếp tục theo dõi, thăm khám sức khỏe định kỳ”.

Mất tiền oan, bỏ sót bệnh

Theo các chuyên gia y tế, nhiều cơ sở quảng cáo xét nghiệm máu để phát hiện sớm ung thư là không chính xác, vì xét nghiệm máu chỉ để phát hiện chất chỉ điểm ung thư, hoặc dấu ấn ung thư. Tuy nhiên, thực tế trong y khoa, vai trò của chất chỉ điểm khối u là theo dõi và đánh giá, theo dõi kết quả điều trị, không phải để sàng lọc. Ngoài ra, một số chất chỉ điểm không chỉ tăng khi người bệnh bị ung thư mà cũng có thể tăng trong trường hợp người bệnh bị viêm nhiễm thông thường, mắc các bệnh phổ biến.

Vì vậy, xét nghiệm chất chỉ điểm để sàng lọc ung thư không có ý nghĩa quá lớn. Để phát hiện bệnh ung thư, ngoài xét nghiệm máu, cần phải làm thêm các xét nghiệm lâm sàng khác nhau để chẩn đoán chính xác. Không chỉ bằng phương pháp xét nghiệm máu, mà người bệnh cần được khám lâm sàng, nội soi, siêu âm và thực hiện các xét nghiệm khác mới đủ tiêu chí chẩn đoán có mắc bệnh hay không.

Cùng quan điểm này, bác sĩ Võ Đức Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, thông tin, trong xét nghiệm máu, không phải cứ gia tăng các chỉ dấu sinh học về ung thư (Bio-markers) là mắc ung thư. Thực tế, xét nghiệm máu chỉ có một vài loại mang tính đặc hiệu cảnh báo, giúp chúng ta tập trung quan tâm, theo dõi sát những người bệnh này bởi họ có nguy cơ cao dẫn đến ung thư.

Ví dụ, khi chỉ số CEA, CA15-3, CA125… tăng, nhiều người nghĩ ngay đến ung thư đại trực tràng, tụy, vú, dạ dày, phổi, buồng trứng… Tuy nhiên, những chỉ số trên phần lớn là những chỉ số không đặc hiệu, nếu tăng thì cũng không đồng nghĩa là người bệnh sẽ bị ung thư, bởi có nhiều loại bệnh lý làm tăng chỉ số này.

Rõ ràng, việc xét nghiệm máu tìm các chất chỉ điểm khối u chỉ mang tính tham khảo. Nhiều gói tầm soát không có lợi cho người được tầm soát, dẫn đến họ mất tiền oan mà vẫn bỏ sót bệnh.

“Mỗi loại ung thư có phương pháp và thời gian tầm soát khác nhau, thực hiện trên nam và nữ có sự khác biệt, một số loại bệnh ung thư không có biểu hiện bất thường trên các phương tiện chẩn đoán khi ở giai đoạn sớm. Vì vậy, việc thực hiện tầm soát toàn thân, xét nghiệm tràn lan sẽ gây tâm lý hoang mang hoặc yên tâm giả tạo cho người xét nghiệm”, bác sĩ Võ Đức Hiếu nhấn mạnh.

Để sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư, bác sĩ cần hỏi tiền sử gia đình, triệu chứng bệnh (nếu có), thăm khám bệnh chi tiết, tỉ mỉ, cẩn thận để đưa ra các chỉ định xét nghiệm phù hợp. Sàng lọc ung thư luôn có sai số nhất định.

Nguyên nhân có thể do bác sĩ thăm khám và tư vấn bệnh không tốt, không có kiến thức về sàng lọc ung thư. Máy móc, thiết bị kỹ thuật cũng có thể sai sót. Do đó, người dân nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, bác sĩ đúng chuyên ngành, điều trị nếu mắc bệnh và dự phòng bệnh.

Theo sggp.org.vn

largeer