Vươn ra “biển lớn”: Lời giải nào cho doanh nghiệp Việt?
Trong khi có doanh nghiệp (DN) tiến thẳng ra “biển lớn” thì vẫn có không ít DN thua ngay trên “sân nhà”. Hoàn thiện khung pháp lý là yêu cầu không thể thiếu song quan trọng vẫn là thực thi và chính các DN cần có sự chuẩn bị nội lực kỹ càng, “biết người, biết ta”… để vươn ra “biển lớn”.
Chính sách hỗ trợ: Không thể thiếu!
Tại cuộc Tọa đàm “Phát huy vai trò của DN trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thực tế trong những năm qua, Việt Nam đã có một bước phát triển tương đối ngoạn mục, số DN thành lập ngày càng nhiều và chúng ta cũng có những DN được đánh giá rất tích cực và có đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế, thậm chí có những chủ DN làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của một liên doanh quốc tế.
“Nhưng tiếc rằng số đó chưa nhiều. DN của chúng ta đa phần DN nhỏ và vừa, chiếm đến 96 – 97%. Những đối tượng này rất dễ bị tổn thương, bất kỳ sự thay đổi chính sách nào cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của họ. Số lượng DN thành lập đa phần là DN nhỏ và vừa, DN Startup, nên tạo ra số lượng việc làm nhiều nhưng việc làm đó không ổn định….” - ông Phòng phân tích.
Do đó, theo Phó Chủ tịch VCCI, cần có chính sách hỗ trợ làm sao để DN ổn định hoạt động và duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Đó là việc nhà quản lý cần quan tâm, hỗ trợ họ, chỉ có như vậy mới giữ được số lượng DN chúng ta đang có và phát triển thêm các DN mới, tạo được việc làm bảo đảm cho cho người lao động, các DN hoàn thành được nghĩa vụ thuế và khỏa lấp được những vấn đề về môi trường, an sinh xã hội... Nếu làm được như thế thì chúng ta sẽ có được đội ngũ DN có thể cạnh tranh, nâng cao được năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia….” - Phó Chủ tịch VCCI quả quyết.
Quan trọng vẫn là thực thi
Ủy viên Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội , ông Nguyễn Văn Thân đặt vấn đề: Người Việt Nam thông minh, DN lớn và nhỏ đều đầu tư để nâng cao sức cạnh tranh nhưng vì sao quản trị DN vẫn kém, năng suất lao động cũng kém? Theo ông, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, “Thách thức theo tôi không phải ở chỗ DN thiếu khung pháp lý cơ bản mà vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực thi…”. Ủy viên UBKT dẫn chứng, mới đây Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Cạnh tranh, về phía Chính phủ cũng yêu cầu giảm thiểu giấy phép “con”, thế nhưng người trực tiếp giải quyết với DN lại ít thực thi nên DN vẫn mất nhiều thời gian và chi phí.
Nhắc lại Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) năm 2018 (APCI 2018) được Hội đồng tư vấn cải cách TTHC công bố mới đây, ông Thân cho rằng nếu làm tốt việc đơn giản hóa TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thực hiện các thủ tục này sẽ tiết kiệm được rất nhiều về thời gian, chi phí cho DN. “Tôi cũng cho rằng, sau khi công bố như vậy phải làm sao ít nhất một nửa số DN của chúng ta nắm được nội dung này để có cơ sở khi làm việc với các cơ quan chức năng. Tôi nghĩ đây không chỉ là vấn đề DN thiếu nhận thức mà cả hệ thống chúng ta cần phải tập trung ở tầm vĩ mô” - ông Nguyễn Văn Thân nêu quan điểm.
Nội lực kỹ càng, “biết người, biết ta”…
Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng yếu tố cản trở năng lực cạnh tranh của các DN hiện tại một phần do môi trường kinh doanh và một phần do nội tại DN, tức là năng lực quản trị của DN.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội, hiện nay, khi ra “biển lớn”, hội nhập DN Việt Nam bị 5 nhóm thách thức. Một là, chiến lược kinh doanh không rõ ràng. Hai là, công nghệ khoa học của DN trong nước so với thế giới ở mức sau DN nước ngoài 2 đến 3 thế hệ. Ba là, về năng lực, chúng ta thấy người Việt Nam vào môi trường công nghiệp thì họ thành công nhân chuyên nghiệp, nhưng ở Việt Nam thì lại vẫn mang thói quen sản xuất nhỏ. Bốn là, chế độ đãi ngộ của những người làm trong DN là có vấn đề. Việc này lỗi ở những người làm công tác vĩ mô, nhìn người quản trị DN bằng như là công chức trong khi ở các nước khác người ta chỉ nhìn vào hiệu quả sử dụng đồng vốn. Cuối cùng là, sự liên kết để sản xuất cạnh tranh với các nước khác rất kém.
Nhìn vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ông Kiên cho rằng có nhiều DN của Việt Nam đã hội nhập tương đối tốt như Vietjet, Vingroup, Hòa Phát, Tân Hiệp Phát… “Để thành công họ đều có sự chuẩn bị nội lực kỹ càng, biết người, biết ta…” - Phó Chủ nhiệm UBKT quả quyết.
Phân tích trường hợp của Tân Hiệp Phát, một DN khởi nghiệp trong thời kỳ đổi mới, ông Kiên cho rằng thành công của Tân Hiệp Phát ngày hôm nay là nhờ họ chọn được thị trường đúng, đi vào thị trường từ trước đến nay đang bỏ ngỏ và có thị phần để mở rộng. Yếu tố thứ hai giúp họ trở thành DN đầu đàn trong lĩnh vực đồ uống là đi thẳng vào công nghệ hiện đại ngay. Công nghệ sản xuất của họ có trình độ tương đương với các nước tiên tiến.
Thứ ba, họ biết họ yếu ở đâu. Nhiều DN vẫn theo đuổi mô hình quản trị gia đình, hoặc cho rằng trong nước cũng có nhiều người có thể đảm nhận việc quản trị DN, nhưng Tân Hiệp Phát chọn nhân sự cấp cao nước ngoài để quản trị DN của mình. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp Tân Hiệp Phát chuyển mình thành công. “Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng DN cần tạo dựng thương hiệu trên cơ sở trách nhiệm xã hội…” - Phó Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Đức Kiên đưa ra lời khuyên.
Thanh Thanh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội