Vụ sàm sỡ hành khách trên máy bay: Lời biện minh yếu ớt của người say
Sự việc hành khách hạng thương gia Vũ Anh Cường bị tố cáo sàm sỡ nữ hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines đang gây xôn xao dư luận những ngày qua, đặc biệt sau khi ông này lý giải nguyên nhân thực hiện hành vi thiếu văn hóa là do “vấp ngã”. Sự việc này một lần nữa cho thấy lỗ hổng trong việc kiểm soát “ma men” trên máy bay.
Vi phạm chuẩn mực trong ứng xử
Những năm qua, hiện tượng hành khách say rượu khi đi máy bay diễn ra ngày càng phổ biến. Điển hình, cuối năm 2015, tại Cảng hàng không Vinh, ông T.T.Đ, trong quá trình làm thủ tục lên máy bay từ Vinh - TP Hồ Chí Minh, khi qua cửa soi chiếu, nhân viên an ninh yêu cầu mở ra kiểm tra thì ông Đ nói: “Trong hành lý của tôi có bom”. Ông Đ còn gây mất trật tự, buộc nhân viên an ninh phải khống chế và có biện pháp kiểm tra hành lý nghi vấn. Kết quả kiểm tra hành lý không có bom, lý do hành khách này dọa chỉ vì... say rượu, mất kiểm soát hành vi. Trước đó, năm 2014, trên chuyến bay VN195 từ Cam Ranh (Nha Trang) đi Hà Nội, khi lên máy bay, hành khách Đ.X.Đ có biểu hiện say rượu, không chấp hành hướng dẫn của tiếp viên, thậm chí còn gây gổ với hành khách ngồi cạnh.
Gần đây, cộng đồng mạng lại tiếp tục lan truyền hình ảnh trên chuyến bay VN253 từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh của hãng hàng không Vietnam Airlines, hành khách hạng thương gia Vũ Anh Cường bị tố sàm sỡ hành khách nữ. Cô gái bị quấy rối cho hay khi lên máy bay và ngồi xuống ghế được vài phút thì ông Cường đi qua. Bất ngờ, người đàn ông này sờ vào vai cô gái rồi lần dần xuống phía sườn. Sau đó, cơ trưởng chuyến bay VN253 từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh của hãng hàng không Vietnam Airlines quyết định từ chối phục vụ ông Vũ Anh Cường, nam hành khách ngồi hạng thương gia, có dấu hiệu say xỉn, quấy rối nữ khách cùng chuyến bay.
Trên mạng xã hội, hàng động sàm sỡ của vị thương gia này bị lên án gay gắt, tài khoản facebook Tony Anh bình luận: “Cần cho người này cấm bay vô thời hạn, thương gia nhưng ý thức lại không thương gia chút nào”. Tài khoản Phan Nam thì bình luận: “Ông lên máy bay mà ông không làm chủ được bản thân thì cho ông xuống, không cần thông tư gì hết. Lên máy bay mà quậy phá thì ai cho đi”...
Câu cửa miệng: “Biết tao là ai không?”
Qua những vụ việc kể trên có thể thấy, người có hành vi thiếu kiểm soát (vi phạm an ninh trật tự, sàm sỡ) đều có sử dụng bia rượu. Qua sự việc hành khách hạng thương gia Vũ Anh Cường bị tố sàm sỡ hành khách nữ, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho biết: “Hành động trên cho thấy, ông Cường đã bất chấp tự ái, xấu hổ, mượn rượu bia vào để vượt quá rào cản về chuẩn văn hóa dẫn đến hành vi vô văn hóa”.
Với lời lý giải của hành khách Vũ Anh Cường, hành vi sàm sỡ là do “vấp ngã”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Người ta có thể bám vào bất cứ thứ gì nhưng thường là vật cứng, vật chắc chắn. Cho nên, việc anh ta quờ vào đúng bộ phận nhạy cảm của người phụ nữ hay quệt vào má, vào môi thì chắc chắn là lời biện minh đó mang tính chống chế để gỡ gạc lại thể diện. Vậy nên, theo hướng đó, tôi cho rằng lý do vấp ngã là lời biện minh một cách yếu ớt để giải thích cho cách xử sự”.
Mặt khác, từ vụ việc trên, trên các mạng xã hội, người dân cũng đặt nhiều câu hỏi, về việc tại sao hành khách say xỉn vẫn được lên máy bay. Mặc dù, còn rất nhiều điều vướng trong việc thực hiện quy định của luật, nhưng PGS.TS Trịnh Hòa Bình đề xuất: “Về lý thuyết, nguyên tắc người ta đã không cho phép sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, thì khi tiếp viên hàng không nhận thấy hành khách có sử dụng rượu bia hay có mùi cồn thì có thể từ chối phục vụ”.
Chưa kể, trong biên bản vụ việc, có cụm từ phát ngôn đáng nhớ của ông Cường: "Mày có biết tao là ai không?". Câu nói trên đã được lặp đi lặp lại trong giai thoại của nhiều vụ việc. Thử tìm kiếm trên google, hơn 14,6 triệu kết quả với từ khóa “mày có biết tao là ai”. Hóa ra, câu này đã trở thành cửa miệng của một bộ phận không nhỏ những người tự cho mình có thế lực trong xã hội. Bị cảnh sát giao thông kiểm tra khi vi phạm, đỗ xe sai quy định, thậm chí đổ rác không đúng vị trí, doanh nhân, công chức, tài xế hay cầu thủ vi phạm để sẵn sàng thốt ra câu nói “Mày có biết tao là ai không?”. Về mặt ngôn ngữ, câu: “Mày có biết tao là ai không?” là một câu hỏi khá đơn giản, nhưng sự hàm ý lại không hề đơn giản, nó thể hiện sự không bình đẳng trước pháp luật, sự thách đố như đã thành thói quen của những người có tiền, có quyền.
Hà Vi
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội