Vụ phá rừng ở Lâm Đồng: Sự thật có bị bẻ cong?
Văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho rằng bài báo “Tan hoang rừng phòng hộ ở Lâm Đồng” đăng trên Báo Người Lao Động là “có nội dung không chính xác”; nhưng sự thật thì sao?
Ngày 10-6, Báo Người Lao Động đã đăng bài điều tra “Tan hoang rừng phòng hộ ở Lâm Đồng”, ngay sau đó, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Lâm Đồng đã có công văn gửi Sở TT-TT TP HCM "đề nghị xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí".
Công văn trên do bà Trần Thị Mai Phương – Phó Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Lâm Đồng - ký. Trong đó Sở TT-TT Lâm Đồng cho rằng sau khi bài báo được đăng, sở này nhận được 2 công văn của UBND huyện Đạ Tẻh và của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng. Cả 2 công văn đều có nội dung là "bài báo phản ánh chưa được chính xác, gây hiểu nhầm cho người đọc và gây hoang mang, nghi ngờ cho người dân về lực lượng bảo vệ rừng, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương". Trên cơ sở đó, Sở TT-TT tỉnh Lâm Đồng đề nghị cơ quan chức năng "xem xét, có hình thức xử lý phù hợp theo thẩm quyền".
Sự thật rừng Đạ Tẻh có bị phá và lực lượng bảo vệ rừng có làm hết trách nhiệm hay chưa? Báo Người Lao Động đã cử phóng viên trở lại những cánh rừng ở đây để xác tín.
Tại Tiểu khu 545 thuộc xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh, phóng viên đã ghi lại rất nhiều điểm khai thác gỗ trên con đường mòn dẫn ngược lên núi. Có đến hơn 100 lóng gỗ được lâm tặc cưa hạ thành từng khúc từ hàng chục cây gỗ có đường kính từ 30 - 110 cm nằm la liệt. Tại hiện trường đã có dấu búa của kiểm lâm kiểm tra ngày 29-8-2018. Cũng tại tiểu khu này xuất hiện 2 lò than đang hoạt động.
Tại thời điểm tiếp cận các điểm phá rừng, chúng tôi gặp những người dân địa phương đi hái măng rừng. Những người này cho biết tình trạng phá rừng ở đây vẫn diễn ra thường xuyên để lấy gỗ và lấn chiếm đất làm nông nghiệp.
Chính ông Nguyễn Bá Khai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh (đơn vị chủ rừng), cũng thừa nhận có tình trạng phá rừng ở đây. "Vẫn còn một số trường hợp tiêu cực vào rừng đốn hạ cây rừng lấy gỗ và lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy vì mưu sinh" - ông Khai nói.
Còn ông Trần Lưu Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh, cho biết "sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, ngày 26-6, Hạt Kiểm lâm này đã xây dựng kế hoạch mật phục kiểm tra và tiếp tục phát hiện các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép. Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng đã nhanh chân bỏ chạy. Hạt đã lập biên bản tịch thu 7 hộp gỗ xẻ để tiếp tục điều tra xử lý".
Riêng ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), thì cho hay tại Tiểu khu 545, sau khi tuần tra, đơn vị chủ rừng phát hiện rừng bị phá nên đã có báo cáo và UBND huyện đã giao cho Hạt Kiểm lâm, Công an huyện phối hợp cùng các đơn vị liên quan điều tra làm rõ để khởi tố vụ án. Ông Hùng cũng cho biết thêm lực lượng chức năng đã bắt quả tang 2 đối tượng là bà Nguyễn Thị Tâm cùng chồng Lê Cao Thìn (cư trú thôn 10, xã Đạ Kho) đang thực hiện đốt than, số lượng gỗ thiệt hại ban đầu hơn 15 m3. "Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh đã khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ sang công an huyện tiếp tục điều tra, thu thập chứng cứ để khởi tố bị can" – ông Hùng nói.
Gỗ bị đốn hạ rừng Đạ Tẻh
Rõ ràng, tình trạng phá rừng ở đây là có. Chính đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh đã thừa nhận. Vậy thì ai đã bẻ cong sự thật này và vì mục đích gì?
Ông Lê Mậu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), nói với phóng viên rằng: "Việc phóng viên Báo Người Lao Động phản ánh tình hình vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng là việc làm hết sức tích cực; giúp lãnh đạo và chính quyền địa phương cũng như các cấp có thêm thông tin thực hiện tốt công tác chỉ đạo điều hành ngày càng quyết liệt hơn. Đồng thời, qua đó góp phần tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng và đấu tranh tố giác tội phạm vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương. Riêng công văn gửi Sở TT-TT tỉnh Lâm Đồng để phản hồi bài báo là do một phó chủ tịch khác của huyện ký".
Còn ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cũng bảo: "Rất cảm ơn phóng viên, nhà báo đã thông tin để anh em tăng cường chỉ đạo trong công tác quản lý xử lý vụ việc". Ông Sơn cho biết thêm công văn gửi Sở TT-TT tỉnh Lâm Đồng là do ông Thiên, cấp phó thực hiện chứ ông không nắm (!?)
Thiết nghĩ, từ thông tin phản ánh của báo chí, điều cần làm của cơ quan chức năng có trách nhiệm của tỉnh Lâm Đồng là chỉ đạo làm rõ tình trạng phá rừng và có hay không sự bao che, làm ngơ để rừng "chảy máu". Chứ không phải chỉ dựa vào những báo cáo của địa phương có rừng bị phá và ngành bảo vệ rừng, rồi ban hành văn bản yêu cầu xử lý báo chí.
Cũng liên quan đến nạn phá rừng diễn ra trên cả nước, tại hội nghị trực tuyến từ Chính phủ đến 63 tỉnh, thành về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng được tổ chức vào cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương rà soát, điều tra xử lý nghiêm các vụ phá rừng và công khai kết quả để xã hội giám sát. Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, kiểm lâm, lãnh đạo không phát hiện kịp thời việc phá rừng, kiên quyết loại thải những người thoái hoá, biến chất tham gia việc phá rừng.
Nhóm phóng viên
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội