Vụ ngộ độc Pate Minh Chay: Để kết luận chính thức cần có thời gian
Liên quan đến ý kiến cho rằng vì sao có sự chậm trễ trong việc đình chỉ hoạt động của Cty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới do liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay chứa độc tố bolutinum, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết:
Để đưa ra kết luận, đánh giá đầy đủ cần có thời gian vì nếu thông tin chưa chính xác có thể làm mất đi một DN.
Đưa hơn 10.000 sản phẩm ra thị trường, chủ yếu bán online
Chiều 8-9, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, thông tin về vụ ngộ độc botulinum, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết: Cục QLTT TP đã có văn bản chỉ đạo xử lý kịp thời một vụ việc nghiêm trọng được báo chí và phương tiện truyền thông phản ánh về việc người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm sau khi mua và sử dụng sản phẩm pate Minh Chay do Cty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới, trụ sở tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Đội QLTT số 9, Cục QLTT TP đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập Đoàn kiểm tra ATPP tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh sản xuất của công ty này. Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh sản xuất của tổ chức trên. UBND huyện Đông Anh đã ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền 17,5 triệu đồng đối với Cty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới do không đảm bảo quy định về ATTP: Người tiếp xúc với sản phẩm không đeo khẩu trang, dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy, nguyên liệu đầu vào có nhãn không đủ nội dung…
Trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm của Cục QLTT trong vụ việc này như thế nào ông Hùng cho biết: Thông tin mà chúng tôi nắm được ngày 18-8-2020, gia đình ông Tuấn và bà Lộc (ở Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) nhập viện tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai. Tại đây chẩn đoán ngộ độc thực phẩm. Ông Tuấn cho biết cuối tháng 7 mua hai hộp thực phẩm pate Minh Chay, sau ăn 4 ngày bệnh nhân đau họng, nói khó, nuốt khó, sụp mi…
“Xuất phát từ thông tin trên, chi Cục ATTP có đến công ty kiểm tra và Cục QLTT Hà Nội có cử công chức tham gia đoàn kiểm tra liên ngành. Theo Quy định của pháp luật đối với mặt hàng sản xuất thực phẩm sử dụng nguyên liệu thực vật giao cho ngành nông nghiệp cấp phép và hậu kiểm, ngành y tế chịu trách nhiệm chất lượng. Ngành quản lý thị trường có một phần trách nhiệm trong vụ việc này”, ông Hùng nói.
Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, Cty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới thành lập năm 2018. Tháng 1-2020, được cấp phép đủ điều kiện sản xuất. Tuy nhiên do dịch Covid-19 nên từ khi được cấp phép đến tháng 6 Cty không hoạt động. Đến tháng 7-2020 mới bắt đầu vào hoạt động đi vào sản xuất. Từ ngày hoạt động đến khi phát hiện vụ việc, cty đã đưa ra thị trường trên 10.000 sản phẩm, với hình thức bán hàng online, trực tiếp chủ yếu cho người tiêu dùng.
Ngày 30-8, Cục ATTP Bộ Y tế xuống kiểm tra đình chỉ hoạt động công ty này, ngày 31-8, cơ quan này đề nghị CATP Hà Nội vào cuộc. Hiện, lực lượng QLTT phối hợp với các cơ quan chức năng thu hồi sản phẩm.
Lãnh đạo TP, các cấp, ngành vào cuộc tích cực, chủ động
Thông tin thêm về nội dung này, đồng chí Phạm Thanh Học, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, đây là vụ việc không hề mong muốn, gây bức xúc trong xã hội, vì liên quan đến tính mạng của con người. Liên quan đến câu hỏi vì sao từ ngày 19-8 có thông báo của Cục ATTP về vụ ngộ độc mà sau đó đến ngày 30-8 mới đình chỉ hoạt động của công ty này, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nêu rõ: Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo TP, các sở, ban ngành đều rất tích cực, chủ động. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận, đánh giá đầy đủ không hề dễ, cần thiết phải có thời gian vì nếu không cẩn thận, thông tin chưa chuẩn, chưa chính xác, đánh giá chưa đúng bản chất vấn đề thì có khi không những không mang đến yếu tố tích cực cho xã hội, không động viên được DN trong lúc khó khăn thế này mà có khi chúng ta lại mất đi một DN.
“Nên trước hết chắc chắn các ngành, các cấp của Hà Nội rất tích cực, chủ động trong xử lý thông tin”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo khẳng định.
Theo đồng chí Phạm Thanh Học, sau khi nhận được công văn ngày 19-8 của cục ATTP nghi ngờ bệnh nhân ngộ độc Pate Minh Chay, Sở Y tế Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra ngay. Cùng đó, Sở Y tế đã đôn đốc các sở ngành triển khai theo công văn của Cục ATTP khẩn trương kiểm tra sản phẩm pate Minh Chay. Ngày 1-9 Sở Y tế tiếp tục ban hành công văn về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do pate Minh Chay;
Đồng thời, Chi cục ATVSTP TP có công văn ngày 30-8 gửi phòng y tế, TTYT các quận, huyện, thị xã về việc triển khai một số biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do sử dụng pate Minh Chay-trong đó có kèm theo danh sách khách hàng trên địa bàn đã mua sản phẩm Pate Minh Chay để kịp thời khuyến cáo không sử dụng sản phẩm nêu trên. “Như vậy những thông tin khuyến cáo đã được thông tin ngay tới người tiêu dùng”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh.
Hiện Chi Cục ATVSTP và quận, huyện thị xã đã gọi điện liên hệ đến 1.857 lượt khác hàng trong đó công ty cung cấp tích lũy 1.275 người. Hiện còn 142 khách hàng chưa liên lạc được. Tổng số lọ pate Minh Chay mua 1.220 lọ (khách hàng liên lạc được đã khai báo), đã sử dụng/hoặc bỏ đi 1.030 lọ còn lại 190 lọ đang thu hồi. Điều đó cho thấy các cấp, ngành tại Hà Nội rất tích cực.
Sở NN&PTNT đã ban hành văn bản khẩn ngày 1-9 gửi các tỉnh, TP và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội về việc phối hợp khẩn cấp xử lý sản phẩm không đảm bảo ATTP của Cty này. Sở Công thương cũng ban hành văn bản rà soát kiểm tra sản phẩm này gửi Cục QLTT Hà Nội, UBND cấp huyện, BQL các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, DN kinh doanh thực phẩm, bao gồm cả kinh doanh qua mạng…
Phong Châu
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm