Vụ hành hung cán bộ ở Bình Triệu có liên quan đến quy định tăng giờ làm?
Theo nạn nhân, ngoài lý do góp ý kỷ luật các cá nhân trong cuộc họp cuối năm, nguồn cơn của vụ việc còn xuất phát từ thông báo tăng thời gian làm việc lên 48 giờ/tuần của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Ngày 12/12, phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã có buổi trao đổi với bà Phạm Thị Hồng Phượng - Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy (TV&CNMT) Bình Triệu, liên quan đến việc ông Võ Văn Phúc - 59 tuổi, Phó trưởng phòng Tiếp nhận, Tư vấn, Tâm lý trị liệu, Giáo dục phục hồi hành vi của cơ sở - bị nhân viên bảo vệ đánh chảy máu ngay trong giờ làm việc. Ông Phúc phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và vụ việc được trình báo Công an phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Bị đánh sau nhiều kiến nghị, tố giác
Vào lúc 8g30 ngày 10/12, Cơ sở TV&CNMT Bình Triệu tổ chức họp toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để thông báo kết quả thi đua tháng 10, tháng 11/2020. Tại cuộc họp, ông Phúc tiếp tục nêu ý kiến cá nhân về việc cơ quan thông qua kế hoạch làm việc 48 giờ/tuần. Đồng thời, ông đề nghị cắt thi đua tháng 11 và yêu cầu xử lý kỷ luật nữ nhân viên cơ quan tham mưu lãnh đạo cho ký xuất cổng trái quy định đối với một trường hợp đang điều trị tại cơ sở theo triệu tập của tòa án.
Khi ông Phúc đang phát biểu, nhân viên bảo vệ Nguyễn Huy Hoàng (55 tuổi) bất ngờ xông lên đánh ông từ phía sau. Con ông Hoàng là nhân viên phòng kế toán cũng vung tay dọa đánh ông Phúc. Lúc đó, có hai nhân viên bảo vệ khác đã can ngăn và cuộc họp tiếp tục. “Họp xong, tôi xuống phòng làm việc. Vừa mở tủ cất sổ họp thì anh Hoàng bước vào, tiếp tục chửi thề. Tôi vừa mở máy ghi âm lên thì đã bị anh ta tấn công. Cùng lúc đó, giám đốc cơ sở phát hiện, kêu mọi người can ngăn. Tôi vừa loạng choạng đứng dậy thì một nam nhân viên khác là P.M.V. từ ngoài cửa xông vào, đánh bồi vào đầu tôi” - ông Phúc tường trình.
Trán bên trái ông Phúc bị thương, chảy máu. Ông được băng bó tại phòng y tế của cơ quan. Sau đó, ông báo công an phường đến lập biên bản, đồng thời được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ông cho hay, bệnh viện phải khâu bốn mũi trên trán trái và cho ông xuất viện chiều cùng ngày với đề nghị nghỉ ngơi, dưỡng bệnh từ ngày 10-14/12.
Cơ sở TV&CNMT Bình Triệu là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TPHCM. Theo bà Phạm Thị Hồng Phượng, đây là vụ việc đáng tiếc, xuất phát từ sự bộc phát nhất thời của các cá nhân trong và sau cuộc họp cơ quan. Những người liên quan đều là viên chức và người lao động mà hành xử như vậy ngay trong thời gian làm việc là vi phạm quy định, nguyên tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ sở đã có báo cáo nhanh gửi Ban giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM.
“Chúng tôi đã ra quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với bảo vệ Nguyễn Huy Hoàng, là nhân viên hợp đồng của cơ sở. Ông Võ Văn Phúc được tạm nghỉ phép trong năm ngày. Hiện cơ quan chức năng đang thụ lý vụ việc. Khi có kết luận, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét, xử lý các cá nhân có liên quan” - bà Phượng nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phúc cho rằng, nguyên nhân trực tiếp của vụ việc là ông góp ý cắt thi đua một nữ nhân viên, còn nguyên nhân sâu xa theo ông là từ thông báo số 22183/SLĐTBXH-VP ngày 11/8/2020 truyền đạt ý kiến của Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM gửi các đơn vị trực thuộc, chỉ đạo tăng giờ làm việc từ 40 giờ lên 48 giờ/người/tuần. Đây là điều mà ông Phúc đã trực tiếp phản ánh lên các cơ quan chức năng vì cho rằng vi phạm quy định hiện hành.
Thông báo tăng giờ làm gây nhiều bức xúc
“Thay đổi giờ làm việc từ 40 giờ lên 48 giờ/tuần gây bức xúc cho người lao động. Tôi đứng lên đấu tranh. Trước đây, chỉ làm 40 giờ/tuần theo Quyết định 188 của Thủ tướng Chính phủ, bây giờ bắt làm thêm nhưng lại không trả cho người lao động số tiền vượt giờ” - ông Phúc trình bày.
Cũng theo ông Phúc, phần “nơi nhận” trong thông báo 22183 của sở chỉ có các đơn vị trực thuộc mà không có các cơ quan cấp trên để báo cáo là không đúng, bởi nội dung công văn này điều chỉnh quy định pháp luật chứ không phải văn bản hướng dẫn. Ông Phúc cho hay, đã gửi khiếu nại lên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cơ quan này đã có văn bản gửi UBND TPHCM và UBND TPHCM đã chỉ đạo Thanh tra TPHCM thụ lý vụ việc. Thanh tra TPHCM đã yêu cầu Sở LĐTB&XH TPHCM báo cáo nội dung trên trước ngày 15/12.
Ngoài vấn đề pháp lý, trong thực tế, việc tăng giờ làm việc lên 48 giờ/tuần đã buộc các đơn vị trực thuộc sở phải sắp xếp, bố trí lại lịch làm việc và nhân sự. Ông Phúc cho hay, Cơ sở TV&CNMT Bình Triệu đã phải luân chuyển cán bộ vào các vị trí làm việc cho phù hợp tình hình mới nhưng lại không đúng quy trình, dẫn đến việc ông phải lên tiếng phản đối tình trạng bố trí một số nhân viên về bộ phận tiếp nhận hồ sơ nhưng không được đào tạo, huấn luyện trước nhằm bảo đảm không xảy ra sai sót trong công việc. Và thực tế, đã có xảy ra sai sót.
Trong tháng 11/2020, tại cơ sở, đã xảy ra hai sự việc nghiêm trọng. Cụ thể, vào ngày 25/11, khi Tòa án nhân dân quận 3 đề nghị di lý một đối tượng học viên của cơ sở (đang điều trị cắt cơn giải độc, chuẩn bị đưa đi cai nghiện) ra ngoài phục vụ công tác xét xử. Theo quy định, phải có đầy đủ các thủ tục cần thiết, học viên mới được xuất cổng nhưng nhân viên H. đã làm sai quy trình. Đến ngày 30/11, cũng chính nhân viên này tiếp nhận một đối tượng cắt cơn 15 ngày vào cơ sở không đúng quy định, đồng nghĩa với việc giữ người trái pháp luật.
“Hai vụ việc xảy ra buộc tôi phải đề nghị cắt thi đua cô nhân viên này và xử lý những người có liên quan đã ký xuất cổng trái quy định. Những vấn đề này được tôi nhắc lại trong cuộc họp mà sau đó tôi bị đánh” - ông Phúc cho hay.
Trong buổi làm việc với giám đốc Cơ sở TV&CNMT Bình Triệu, chúng tôi cũng đề cập các nội dung liên quan việc áp dụng chế độ làm việc 48 giờ/tuần cũng như quy trình tiếp nhận, xuất cổng đối với các học viên đến và đi tại cơ sở. Tuy nhiên, bà Phượng cho rằng: “Đây là các vấn đề nội bộ của cơ sở, xin phép không trả lời”.
Ngày 13/12, ông Phúc cho biết, đang dưỡng sức tại quê nhà. Ông đã yêu cầu công an xem xét khởi tố hình sự đối với các cá nhân đã có hành vi cố ý gây thương tích cho ông trong giờ làm việc. “Ngoài giám định thương tích, tôi vẫn cho đây là hành vi cố ý gây thương tích vì diễn ra liên tiếp trong và sau cuộc họp. Tôi và họ là viên chức cùng cơ quan, trước giờ chưa hề có mâu thuẫn, chỉ vì phát biểu góp ý của tôi tại cuộc họp cơ quan mà có hành vi đánh người là không thể chấp nhận được” - ông Phúc nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại một đơn vị khác cũng trực thuộc Sở LĐTB&XH TPHCM, việc áp dụng thời gian làm việc 48 giờ/tuần buộc cán bộ, nhân viên phải đi làm nguyên ngày thứ Bảy, gây ra sự không đồng bộ và kém hiệu quả. Họ hoàn toàn không thể kết nối, phối hợp được trong các công việc liên quan đến các cơ quan khác vốn nghỉ ngày thứ Bảy. Theo họ, điều này gây bức xúc trong cán bộ, nhân viên vì trái với Thông tư liên tịch 08 (hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức) và Quyết định 188 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ.
Quốc Ngọc - Hoài An
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội