Vũ điệu Tango của đồng CNY, USD, EUR, vàng, dầu mỏ và cổ phiếu
Đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Theo Edward Moya - chiến lược gia chuyên phân tích thị trường, đồng CNY sẽ “còn mất giá thêm 5% nữa vào cuối năm 2019”. Riêng USD và EUR, khi tăng khi giảm trong bối cảnh dầu mỏ và vàng thế giới tăng.
Vì sao đồng CNY sụt giá?
Đồng CNY của Trung Quốc xuống mức thấp nhất chưa từng có kể từ năm 2008 đến nay, ảnh hưởng tới mậu dịch toàn cầu. Bắc Kinh luôn tìm cách ngăn chặn để đồng tiền nước mình không tụt xuống dưới mức tỷ giá mang tính biểu tượng: 1 USD ăn 7 CNY.
Mâu thuẫn mậu dịch với Mỹ, Trung Quốc đã quyết định thay đổi chính sách tiền tệ. Hôm 12/8, lãnh đạo PBOC nói việc đồng CNY sụt giá là do “chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và việc tăng biểu thuế áp dụng đối với Trung Quốc”.
Đồng CNY không được mua bán tự do trên thị trường và chính phủ Trung Quốc hạn chế biên độ dao động tỷ giá hối đoái giữa đồng CNY với USD. Không như các ngân hàng trung ương khác, PBOC không hoạt động độc lập nên đã có hành động can thiệp kịp thời mỗi khi có những vấn đề lớn ảnh hưởng tới giá trị đồng CNY.
Đồng CNY yếu hơn khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn, và sẽ rẻ hơn nếu mua bằng ngoại tệ. Mặc dù điều này có vẻ như có lợi cho người tiêu dùng trên thế giới vì nay họ có thể mua hàng Trung Quốc với giá rẻ hơn, nhưng nó mang theo những rủi ro khác. Với Trung Quốc đồng CNY yếu hơn khiến hàng ngoại nhập đắt hơn, do đó có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao và gây sức ép lên nền kinh tế vốn đã tăng trưởng chậm lại.
Ông Julian Evans-Pritchard - kinh tế gia cao cấp về Trung Quốc của hãng Capital Economics cho rằng, bằng bước đi gắn việc phá giá đồng CNY, PBOC đã “biến tỷ giá hối đoái thành vũ khí, ngay cả khi ngân hàng này không chủ động làm suy yếu đồng tiền bằng việc trực tiếp can thiệp”.
Hồi năm 2015, PBOC đã từng đẩy tỷ giá đồng CNY/USD xuống mức thấp nhất trong 3 năm với lý do là để hỗ trợ cải cách thị trường. Lần cuối cùng tỷ giá xuống mức 7 CNY ăn 1 USD là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1998.
Ông Dịch Cương - Thống đốc PBOC, hôm 12/8 nói Trung Quốc “sẽ không tiến hành phá giá cạnh tranh, và sẽ không can thiệp vào tỷ giá để đạt lợi thế cạnh tranh”.
Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ
Công ty Vốn quốc tế Trung Quốc (China International Capital Corp - CICC) - tập đoàn tài chính chuyên về đầu tư tại Đại lục, dự đoán PBOC sẽ từng bước nới lỏng chính sách tiền tệ và tiếp tục thực hiện cải cách về cấu trúc trong kinh tế trọng cung (bao gồm sản xuất hàng hóa và dịch vụ) trong bối cảnh gia tăng những bất ổn trong và ngoài nước.
AFP dẫn phân tích của CICC cho biết trước sức ép của nền kinh tế toàn cầu đi xuống, PBOC được kỳ vọng sẽ dần dần nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giải quyết tình trạng nhu cầu trong nước yếu kém.
Các chuyên gia của CICC cho rằng PBOC dường như sẽ hạ thấp lãi suất cơ bản trên thị trường mở (OMO) song song với việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng, nhằm bảo đảm tính thanh khoản và sự tăng trưởng ổn định trong hoạt động cung ứng tiền tệ. CICC cũng lưu ý rằng nhiều khả năng PBOC sẽ không tính đến việc nới lỏng tiền tệ quy mô lớn do sức ép từ lạm phát.
Các phân tích gia cũng dự báo PBOC sẽ tiếp tục tập trung vào cải cách trong kinh tế trọng cung nhằm đối phó với các vấn đề mang tính cấu trúc phức tạp. Có thể PBOC sẽ đẩy mạnh cải cách lãi suất cho vay theo hướng thị trường nhằm cải thiện cơ chế lãi suất cho vay cơ bản của các ngân hàng. CICC cũng dự đoán Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh lộ trình bơm vốn vào hệ thống ngân hàng trong năm 2019, giúp các ngân hàng vừa và nhỏ có thêm tiền mặt và giải quyết vấn đề về vốn.
Cùng nhảy điệu Tango
Rõ ràng là việc Trung Quốc chủ động giảm giá đồng CNY đã kéo theo một số hệ lụy khác đối với các thể chế tài chính trên thế giới. Thị trường chứng khoán Wall Street và toàn cầu tăng giảm bất thường.
Sau khi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ thông báo hoãn áp mức thuế mới 10% vào một số hàng Trung Quốc nhập Mỹ, gồm điện thoại di động, laptop, bộ chơi game video game console, một số đồ chơi, màn hình máy tính, cùng một số loại giày dép, quần áo... vào ngày 1/9 tới, ngay lập tức khiến cổ phiếu của hãng Apple tăng vọt 5%.
Các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ vui mừng trước tin mới, khiến chỉ số cổ phiếu ngành này tăng 2,8%.
Ba chỉ số cổ phiếu chính tại Wall Street tăng trên 1,5% (trước đó, cả ba chỉ số chủ chốt của Wall Street mất hơn 1%. Cổ phiếu DJIA chốt phiên hôm 13/8 giảm gần 400 điểm, tương đương 1,5%. S&P 500 và Nasdaq Composite đều mất 1,2%. 10 ngày trước, DJIA giảm sút tuần thứ 2 liên tiếp. Riêng nhóm cổ phiếu nhạy cảm với thị trường chứng khoán Thượng Hải gồm Caterpillar, Boeing và Deere đều mất hơn 1% hôm 13/8. Cùng ngày, Goldman Sachs cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong quý 4, từ 2% xuống 1,8%).
Còn giá vàng ngày 14/8 lên đỉnh hơn 6 năm. Vào lúc 17h44 GMT (khoảng 0h44 sáng giờ Hà Nội), giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.505,92 USD/ounce, gần mức cao nhất tính từ năm 2013, ghi nhận tuần trước là 1.510 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,6% lên 1.517,20 USD/ounce. Giá vàng đã tăng tới 4% trong tuần trước và tăng khoảng 17% kể từ đầu năm 2019 đến nay.
So với các ngoại tệ, sau một thời gian giảm, dầu tăng khá mạnh: Tính đến thời điểm 14/8, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,1%, đạt 57,38 USD/thùng; dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 2,8%, đạt 53,54 USD/ thùng; và vì Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) giảm sản lượng khai thác mỗi ngày nên trong tương lai gần, giá dầu sẽ giảm.
EUR cũng tăng giá. Nền kinh tế toàn cầu đang quay cuồng trong vũ điệu Tango chóng mặt cùng với đồng USD, CNY, EUR, vàng, dầu mỏ và cổ phiếu.
Tường Quyên
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường