Vụ công ty địa ốc Alibaba lừa đảo: 2.500 tỷ đồng của khách hàng 'trôi' về đâu?

Thứ hai, 23/09/2019, 09:27 AM

Theo cơ quan chức năng, số tiền mà công an đang thu giữ tại Công ty Alibaba là rất nhỏ so với con số 2.500 tỷ đồng mà công ty này đã lừa đảo.

Báo Thanh Niên dẫn thông tin từ Phòng PC03 Công an TP.HCM cho biết, đơn vị này vẫn tiếp tục nhận đơn trình báo, tố cáo của người dân đối với Công ty Alibaba. “Người dân chuẩn bị đầy đủ các hợp đồng giao dịch ký với Công ty Alibaba, các hóa đơn chuyển tiền để công an thu thập một cách đầy đủ, chi tiết nhằm phục vụ công tác điều tra. Còn khi nào người dân nhận lại được tiền thì phải chờ kết quả điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng”, một cán bộ công an thông tin.

Theo PC03 - Công an TP.HCM, 2.500 tỉ đồng là số tiền ghi nhận được từ các hợp đồng mà Công ty Alibaba giao dịch với khách hàng. Còn số tiền công an thu giữ tại Công ty Alibaba vào ngày 18/9 sau khi thực hiện lệnh khám xét, bắt Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba) thì rất nhỏ. Riêng về số tiền trong các tài khoản Công ty Alibaba và lãnh đạo công ty này bị phong tỏa thì đang trong quá trình điều tra nên chưa thể công bố.

Số tiền mà công an đang thu giữ tại Công ty Alibaba là rất nhỏ so với con số 2.500 tỷ đồng mà công ty này đã lừa đảo.

Số tiền mà công an đang thu giữ tại Công ty Alibaba là rất nhỏ so với con số 2.500 tỷ đồng mà công ty này đã lừa đảo.

Trước đó, qua công tác khám xét trụ sở Alibaba nằm trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức và các văn phòng giao dịch, trụ sở các công ty con thì Công an đã thu giữ được lượng tang vật đáng kể.

Cụ thể, Công an thu giữ 376 thùng tài liệu là những chứng từ sổ sách của Alibaba, các công ty con; hơn 9 tỷ đồng tiền mặt, 257 miếng kim loại màu vàng, 20 thỏi kim loại màu vàng đang được giám định, 3 xe ô tô các loại, 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các khu đất ở nhiều tỉnh, thành...

Hiện số tiền thực tế theo hợp đồng mua bán của khách hàng với Alibaba vẫn là dấu chấm hỏi mà cơ quan công an đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Lực lượng công anh thu giữ nhiều tài liệu của Alibaba.

Lực lượng công anh thu giữ nhiều tài liệu của Alibaba.

Cơ quan CSĐT xác định, Nguyễn Thái Luyện là chủ mưu vụ án lừa đảo này; chỉ đạo cho các người thân, nhân viên tin cậy thu gom đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh thành, tự vẽ ra là khu dân cư cao cấp để rao bán, lừa khách hàng. Nguồn tiền để duy trì hoạt động công ty, tiền thu gom đất là nguồn tiền khách hàng đóng vào để mua đất.

Công an xác định, Luyện, Lĩnh và bộ sậu Alibaba, các công ty con đã lừa tổng cộng 6.700 khách hàng để chiếm đoạt 2.500 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Công an TP.HCM, đây là kết quả bước đầu nhưng rất quan trọng trong vụ án “lLừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Địa ốc Alibaba. 

Bộ Công an đang phối hợp cùng Công an TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận mở rộng điều tra, xác minh các sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty có liên quan trong việc quảng cáo phân lô, bán đất nền trên đất nông nghiệp ở các địa bàn TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. 

Trao đổi trên Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm: Rõ ràng từ vụ việc lừa đảo có tổ chức này, chúng ta cần xem lại chức năng quản lý nhà nước đối với những loại hình, công ty làm ăn như thế, để có những đánh giá cụ thể, rõ ràng hơn. Đây là những dự án “ma”, không có thật, lại được mua bán công khai như vậy, chứng tỏ một phần quản lý của cơ quan chức năng còn sơ hở. Họ quảng cáo rầm rộ như vậy thì phải biết chứ?

Lẽ thường, cơ quan quản lý nhà nước thấy vậy phải tìm hiểu xem nó là thật hay là ma, để phát hiện, cảnh báo và can thiệp kịp thời. Nếu làm được như vậy, tôi tin họ không thể lừa đảo được với quy mô lớn như thế, thậm chí còn sớm bị đóng cửa, vì chẳng lừa được ai. Nhưng đến giờ này vụ việc mới được phát hiện, khi Alibaba đã lừa gạt quá nhiều người thì sự việc đã rồi, hậu quả để lại rất lớn.

Đây cũng là bài học cần rút kinh nghiệm trong quản lý nhà nước đối với loại hình này. Cần hết sức cảnh giác, vì những biến tướng trong kinh doanh, mặt trái của kinh doanh luôn xảy ra. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung kiểm tra, thanh tra, giám sát. Làm sao có thể phát huy, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp làm ăn tử tế, có uy tín thực sự và đóng góp cho ngân sách nhà nước và cho xã hội. Ngược lại, đối với những doanh nghiệp lừa đảo như Alibaba phải đấu tranh ngăn chặn, kịp thời cảnh báo cho người dân không bị lừa, cảnh giác tối đa tránh “tiền mất tật mang”.

Bất luận lý do gì thì người dân cũng bị thiệt thòi lớn. Với 2.500 tỷ đồng lừa đảo khách hàng như vậy, mà mới chỉ thu giữ được hơn 10 tỷ đồng, vậy thì số tiền kia đang ở đâu, được dùng làm gì?

Chính vì vậy, phải truy cứu trách nhiệm hình sự đến nơi đến chốn, để giảm thiểu thiệt hại của khách hàng, để khách hàng có cơ hội nhận lại được số tiền bị chiếm đoạt. Vị đại biểu mong muốn, kỳ vọng cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, xử lý triệt để vụ việc này.

Hương Nguyễn (T/h)

 

Theo antt.vn
Từ khóa: