Vụ bãi rác Đa Phước: Vì một chữ “nếu”, nên 8 năm qua, VWS chỉ mang rác để... chôn
Ngày 3.7 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã đồng ý với báo cáo của Thanh tra Chính phủ, về kiểm tra xác minh đơn tố cáo của công dân liên quan đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước,...
Ngày 3.7 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã đồng ý với báo cáo của Thanh tra Chính phủ, về kiểm tra xác minh đơn tố cáo của công dân liên quan đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, TPHCM (bãi rác Đa Phước) do Cty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư.
Kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy: Chính cơ quan tham mưu và UBND TPHCM, trong quá trình đàm phán, thương thảo ký hợp đồng, thực hiện dự án với VWS đã “thể hiện sự yếu kém”.... Đáng nói, tại hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn ký ngày 26.2.2006 giữa Sở TN-MT TP HCM và VWS, chỉ vì một chữ “nếu” đã khiến cho VWS chỉ mang rác để chôn trong 8 năm qua mà không chế biến mảy may tấn phân compost nào, như đã cam kết.
Theo thiết kế, Bãi rác Đa Phước do VWS thiết kết gồm 3 công trình: Nhà máy phân loại các vật liệu có thể tái chế, sử dụng các công nghệ tiên tiến; nhà máy chế biến phân compost và bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Trong đó, việc chế biến phân compost là một kỳ vọng để thật sự biến rác thành phân bón, sử dụng cho nông nghiệp. Đồng thời, giảm được chôn lấp rác, vốn gây ô nhiễm môi trường và đi ngược xu thế thời đại.
Tuy nhiên, kỳ vọng về chế biến phân compost đó đã hoàn toàn... tiêu biến, khi tại hợp đồng ký ngày 26.2.2006 giữa Sở TN-MT và VWS lại chấp nhận điều khoản như sau: “Chất thải phân loại: Do nhu cầu cần phải có chất thải hữu cơ để sản xuất compost, Sở TN-MT sẽ yêu cầu các đơn vị vận chuyển chất thải... có thu gom rác trong những khu vực có tỷ lệ chất thải hữu cơ cao (như tại các chợ rau quả của TP) vận chuyển các loại chất thải này đến VWS.
Nếu trong tương lai, chất thải rắn đô thị được phân loại tại cấp hộ gia đình, cấp trạm trung chuyển hay bất kỳ cấp nào khác, thì Sở TN-MT sẽ đảm bảo loại chất thải cần thiết nhất cho nhà máy, dù đó là chất thải hưu cơ hay chất thải vô cơ, sẽ được ưu tiên cho nhà máy trước, thay vì giao cho bất cứ các nhà máy xử lý chất thải nào khác...”.
Theo cam kết trên, từ ngày 1.8.2006, Sở TN-MT thoả thuận sẽ bắt đầu giao hàng ngày các vật liệu có thể tái chế đã thu gom và phân loại tại nguồn trong toàn TPHCM đến nhà máy của VWS. Song, việc làm trên không thể hay nói cách khác là hoang tưởng, khi hàng triệu người dân TPHCM chưa hề có thói quen phân loại rác tại nguồn.
Chính vì vậy mới có lý do “TP không cung cấp được các vật liệu có thể tái chế thu gom được từ chương trình phân loại rác tại nguồn như đã cam kết trong hợp đồng, nên không thể vận hành các nhà máy này hoạt động được”. Đồng nghĩa, suốt 8 năm qua, kế từ khi Bãi rác Đa Phước đi vào hoạt động, thì VWS chỉ chủ yếu là... “đem rác để chôn”. Việc chế biến, hay áp dụng công nghệ làm phân compost, tái chế vật liệu... thì không biết tới bao giờ thực hiện.
Ông Đoàn Nguyên Đức – công dân đứng đơn tố cáo việc gây ô nhiễm môi trường của Bãi rác Đa Phước – cho rằng: “Hợp đồng có nhiều khoản bất lợi cho phía TP. Hợp đồng không ràng buộc phía VWS phải thực hiện các cam kết về nhà máy tái chế, chế biến phân compost, sai phạm phải xử lý thế nào... Trái lại, chỉ đề cập đến quyền lợi của VWS, trong khi phía Sở TN-MT – đại diện cho TP, thì phải chịu trách nhiệm rất nhiều.
Ở đây, chỉ một chữ “nếu” cho thì tương lai thôi, VWS đã hoàn toàn không cần phải chế biến tấn phân compost nào cả; trái lại, thong dong mang rác đi chôn lấp và nhận tiền”.
CAO HÙNG
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội