Vietjet: Bà chủ muốn vươn ra thế giới, thủ tục viên khiến thượng đế bức xúc
Giữa lúc bà chủ Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo muốn hợp tác với Walmart để sớm thành hãng hàng không tiêu dùng, thủ tục viên của hãng lại khiến khách hàng nổi sùng, cộng đồng mạng phẫn nộ.
Phát biểu tại phiên đối thoại về Kết nối để tăng trưởng (trong khuôn khổ APEC CEO Summit) vào sáng 9/11 vừa qua, bà chủ Vietjet Air cho biết mục tiêu của hãng là trở thành hãng hàng không tiêu dùng.
"Chúng tôi muốn phục vụ mọi nhu cầu tiêu dùng của hành khách, kết hợp thương mại điện tử và các hệ thống phân phối hàng tiêu dùng hậu cần", bà Thảo nói và bày tỏ mong muốn được hợp tác với ông lớn bán lẻ Mỹ - Walmart để hiện thực hóa mục tiêu này.
Trước đó không lâu, Vietjet cho biết sắp tới, hành khách của hãng có thể bay tới hầu khắp các nước trên thế giới. Hiện 2/3 trong số hơn 100 đường bay của hãng là quốc tế. Vietjet đã kết nối hệ thống thành công với Quatar Airway, đang triển khai với Japan Airlines và sắp tới sẽ ký kết với Asiana. Hãng cũng đang trao đổi với một hãng hàng không ở Mỹ và một ở châu Âu.
“Việc hội nhập và nâng tiêu chuẩn về vận hành, an toàn theo chuẩn quốc tế cho phép hãng có mặt ở bất kỳ thị trường nào”, bà Thảo nói.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chất lượng dịch vụ của Vietjet vẫn khiến khách hàng phiền lòng. Đơn cử việc VietJet Air từng đội sổ về chậm, hủy chuyến bay trong giai đoạn từ 26/4-2/5, 3/5-9/5, 17/5-23/5 vừa qua với 872/5.865 chuyến bay bị chậm (14,87%).
Mới đây, vào ngày 5/11, một nữ thủ tục viên của Vietjet khiến “thượng đế” bức xúc do từ chối vận chuyển, xé vé trước mặt khách hàng.
Cụ thể, hành khách Lưu Minh H., đi chuyến bay của Vietjet từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh ngày 5/11 cho rằng sau khi nghe loa gọi tên ở cửa vào, anh giơ vé lên và nói "tôi đây", nhưng vẫn bị hủy vé, thậm chí còn bị nhân viên hãng hàng không này xé ngay vé trước mặt nhiều người.
Về việc này, phía Vietjet cho hay hành khách nam bị từ chối vận chuyển do ra cửa tàu bay muộn.
“Chuyến bay VJ159 chặng Hà Nội – TP.HCM ngày 5/11/2017 có giờ khởi hành là 17h50, giờ đóng cửa không nhận khách là 17h35. Hành khách trên đã check-in tại số ghế 29A nhưng chưa thực hiện thủ tục tại cửa ra máy bay. Đến 17h41, hành khách này mới có mặt ở cửa ra tàu bay.
Để đảm bảo chuyến bay khởi hành đúng giờ, theo quy định, thủ tục viên sân bay đã từ chối cho khách lên tàu; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn khách chuyến sang chuyến bay kế tiếp trong ngày”, đại diện hãng cho biết.
Tuy vậy, Vietjet thừa nhận tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên đối với hành khách này khi bị trễ chuyến, đặc biệt là hành vi huỷ thẻ lên tàu bay “là chưa đúng mực trong giao tiếp với khách hàng”.
Sự việc sau khi được một Facebooker chia sẻ lên mạng đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng phẫn nộ. Hơn 6,5 nghìn lượt like và gần 5 nghìn lượt chia sẻ câu chuyện này. Đa số ý kiến đều bày tỏ sự không đồng tình với hành động xé vé "dằn mặt" khách hàng của nhân viên Vietjet.
Facebooker Cuong Nguyen nhận định: "Thái độ phục vụ của nữ nhân viên này không thể chấp nhận được". Đồng quan điểm, Su Su My cho rằng dù người ta có trễ chuyến bay, vé không còn giá trị sử dụng đi chăng nữa cũng không nên xé vé của hành khách như thế.
Hãng hàng không này khẳng định đã tổ chức họp và đưa ra hình thức xử lý kỷ luật phù hợp đối với nhân viên, đồng thời yêu cầu nhân viên này tham gia lại chương trình đào tạo về phục vụ khách hàng của hãng.
Đây không phải lần đầu Vietjet khiến thượng đế bức xúc. Như Báo điện tử Tầm Nhìn đã thông tin, vào ngày 29/5 vừa qua, hàng trăm hành khách của VietJet Air tại sân bay Nội Bài từng rất bức xúc vì đặt vé bay từ 15h45 nhưng bị delay (hoãn chuyến) đến 23h mới được lên máy bay.
Đáng nói, sau 2 lần đưa ra thông báo delay và lùa khách vào phòng chờ, đến đợt trễ giờ thứ 3 của cùng 1 chuyến bay, VietJet Air không có bất cứ thông báo nào nữa. Nhiều “thượng đế” cho rằng đó là hành động đem con bỏ chợ, lừa đảo, coi thường khách hàng nhất là vào thời điểm hãng đang lên kế hoạch hoành tráng niêm yết trên sàn New York, London.
Vietjet Air từng phải nhận án phạt (15 triệu đồng) từ Cục Hàng không do lỗi để xảy ra chậm chuyến bay nhiều giờ nhưng chậm thông báo và thông tin không đầy đủ tới hành khách.
Trên thế giới, nếu hành khách bị trì hoãn hơn 2 giờ với chuyến bay trong nước hoặc 4 giờ đối với các chuyến bay quốc tế thì hãng hàng không phải trả gấp 4 lần giá vé, lên đến 1.350 USD.
Còn tại Việt Nam, sau hơn 6 tiếng mỏi mòn chờ đợi, “thượng đế” được Vietjet Air bồi thường chỉ vỏn vẹn 300.000 đồng/người.
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội