Vietcombank dự thu 6.200 tỷ bán cổ phần cho nước ngoài
Như VnEconomy đề cập vừa qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang thực hiện các bước cuối cùng để hoàn tất giao dịch bán lô cổ phần đầu tiên trong kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Giao dịch này đã được Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận vào thời điểm chốt năm 2018 vừa qua.
Theo đó, Vietcombank sẽ bán lượng cổ phần tương ứng với 3% vốn điều lệ hiện tại, qua đó tăng vốn điều lệ và thu nguồn thặng dư lớn tăng vốn cấp 1.
Có hai nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch này. Trong đó, phần lớn giao dịch thuộc về quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore và Mizuho - cổ đông chiến lược hiện hữu của Vietcombank.
Dự kiến qua giao dịch này Vietcombank sẽ thu về 6.168 tỷ đồng. GIC - nhà đầu tư đã theo đuổi kế hoạch mua cổ phần Vietcombank suốt ba năm qua dự kiến sẽ nắm 2,55% cổ phần tính theo vốn điều lệ sau giao dịch. Mizuho đầu tư thêm để cân bằng và giữ tỷ lệ sở hữu 15%.
Theo quy định, nhà đầu tư tham gia giao dịch này có ràng buộc hạn chế chuyển nhượng trong một năm, riêng trường hợp Mizuho là khoản đầu tư lâu dài với vai trò cổ đông chiến lược.
Khi hoàn tất giao dịch, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng lên 37.089 tỷ đồng (tăng thêm 1.111 tỷ đồng). Đáng chú ý, với thặng dư lớn qua phát hành, dự kiến quy mô vốn chủ sở hữu Vietcombank sẽ đạt tới gần 77.700 tỷ đồng tính đến đầu 2019, lớn nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Qua giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank dự tính giảm từ 77,11% xuống 74,8%. Đây là tỷ lệ sở hữu lớn, đồng nghĩa với dư địa còn lại khá lớn để ngân hàng tiếp tục có các kế hoạch chào bán trong tương lai, theo các giai đoạn phát triển với nhu cầu vốn từng thời kỳ.
Còn hiện tại, cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công nhận Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam thực hiện được các chuẩn mực Basel 2, trong đó đảm bảo yêu cầu về đủ vốn.
Với giao dịch trên để vốn cấp 1 tăng thêm gần 6.200 tỷ đồng, cũng như đã đáp ứng trước thời hạn Basel 2, dự kiến từ năm 2019 Vietcombank sẽ được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, có thêm điều kiện vốn và không gian để tăng trưởng trong năm 2019.
Ngày 10/1 tới, dự kiến Vietcombank sẽ tổ chức hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch kinh doanh 2019. Các chỉ tiêu năm mới sẽ được công bố cụ thể tại đây và trình đại hội đồng cổ đông sắp tới.
Trong các chỉ tiêu đó, kế hoạch lợi nhuận 2019 của Vietcombank trở nên đáng chú ý, do dự kiến gắn với quy mô vốn chủ sở hữu mới, cũng như trên nền kỷ lục khoảng 18.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt được năm 2018 sau khi đã nâng tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu lên tới 165% và tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống dưới 1% theo tiêu chuẩn Basel 2.
MINH ĐỨC
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường