Việt Nam và 7 nước ASEAN có nền kinh tế mới nổi vượt trội nhất thế giới
Báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI) hôm 14/9 cho thấy, Việt Nam nằm trong số 18 nền kinh tế mới nổi được đánh giá là "vượt trội nhất" trên thế giới cùng với 7 nước ASEAN.
Theo Channel News Asia, ngoài Việt Nam, 7 quốc gia khác trong khối ASEAN nằm trong danh sách của MGI gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar.
Trước đó, MGI đã tiến hành đánh giá 71 nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn nhất trên thế giới và xác định được 18 quốc gia có tốc độ phát triển nhanh và bền vững nhất.
Việt Nam được xếp vào nhóm có kinh tế tăng trưởng GDP đầu người hơn 5% trong 20 năm qua cùng Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan và Uzbekistan.
Ngoài ra, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan được MGI xếp vào danh sách các nước có nền kinh tế “vượt trội dài hạn” khi duy trì mức tăng trưởng GDP đầu người là 3,5% trong 50 năm qua.
Tốc độ tăng trưởng GDP đầu người trung bình 5% mỗi năm là mức đủ để một quốc gia trong nhóm thu nhập thấp và trung bình thấp có thể tăng thêm một bậc thang về thu nhập, theo thang xếp loại của Ngân hàng Thế giới (WB).
Còn theo MGI, sự xuất hiện của nhiều công ty lớn đã giúp nâng đáng kể GDP cũng như khuyến khích tăng năng suất và tạo ra sự khác biệt giữa tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.
Cụ thể, 18 nền kinh tế vượt trội có số lượng doanh nghiệp quy mô lớn nhiều gần gấp đôi so với các quốc gia đang phát triển khác.
Thậm chí, lợi nhuận từ các công ty lớn chiếm tới 37% GDP của các nước ASEAN so với 28% của những quốc gia đang phát triển khác.
Tuy nhiên, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội, các nước ASEAN vẫn đang phải tìm cách giải quyết nhiều vấn đề lớn như thay đổi mô hình thương mại, thay đổi cấu trúc dân số, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo cùng sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng lớn xảy ra ở một số nước trong khu vực.
“Thành tựu kinh tế vượt trội của một số nước ASEAN không làm các nước khác trong khu vực phải ngạc nhiên. Song thách thức lớn là các nước cần duy trì đà tăng trưởng và thu hẹp khoảng cách GDP đầu người so với các nước có mức thu nhập cao giữa lúc thời thế đổi khác cùng việc sử dụng các công nghệ tiên tiến và cấu trúc dân số thay đổi ”, ông Oliver Tonby, Chủ tịch văn phòng MGI ở châu Á nhận định.
Cũng theo ông Tonby, “trên thực tế, trọng tâm mới nhằm vào việc thúc đẩy tăng trưởng năng suất và giải quyết sự bất bình đẳng cũng như phân biệt giới tính là điều quan trọng giúp các nước ASEAN duy trì con đường phát triển và trở nên thịnh vượng hơn nữa”.
Bản báo cáo của MGI còn nhấn mạnh, ASEAN có thể tiếp tục duy trì vị trí là nơi hội tụ của những nền kinh tế mới nổi vượt trội và tăng gấp đôi GDP hàng năm lên mức 5 ngàn tỷ USD. Duy trì ở tốc độ này, GDP của ASEAN sẽ chiếm 5% trong tổng GDP toàn cầu.
Cũng theo MGI, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan có thể là 4 quốc gia tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trong khu vực nếu như giữ đà tăng trưởng 3,8% hàng năm. Trong khi những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh như Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Philippines có thể đóng góp từ 600 tỷ - 1 ngàn tỷ USD vào GDP toàn cầu.
Minh Thu
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội