Vì sao bầu Đức rứt ruột “bán con” cho Thaco?

Thứ sáu, 21/06/2019, 09:35 AM

Sau thời gian đầu tư không sinh lợi ở mảng cao su, ông Đoàn Nguyên Đức đã quyết định bán lại công ty cao su cho công ty con của Thaco.

Bầu Đức quyết định bán công ty cao su Đông Dương cho Thadi (Thaco).

Bầu Đức quyết định bán công ty cao su Đông Dương cho Thadi (Thaco).

Cách đây 10 năm ông Đoàn Nguyên Đức đã đổ tiền vào lĩnh vực cao su, ngần ấy thời gian công ty vật lộn với khó khăn, không mang lại nhiều lợi nhuận bởi ở thời điểm đó giá cao su rơi không phanh.

Tuy nhiên, ngay đầu năm 2019, giá cao su thế giới đã đột ngột quay đầu tăng mạnh, điều này khiến cho giới chuyên gia nhận định có thể công ty cao su của bầu Đức sẽ được vực dậy và phát triển.

Thế nhưng, mới đây Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đã công bố Nghị quyết hội đồng Quản trị thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương cho Công ty Cổ phần Sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi, công ty con của Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco). Cao su Đông Dương là một trong những công ty con lớn nhất của HAGL Agrico hoạt động trong lĩnh vực phát triển và trồng cây cao su tại Việt Nam. Trước khi thực hiện thương vụ chuyển nhượng, HAGL Agrico là cổ đông sở hữu 100% vốn điều lệ tại Cao su Đông Dương.  

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, các công ty cao su của Việt Nam không hưởng lợi nhiều từ việc giá cao su thế giới tăng. Nguyên do là Việt Nam là 1 trong 3 nước xuất khẩu cao su nhiều nhất thế giới nhưng cao su do Việt Nam làm ra là loại SVL3L, loại này lại không có nhiều nhu cầu trên thế giới.

Trong khi đó những loại cao su được sử dụng nhiều như SVR20, RSS thì các doanh nghiệp lốp xe của Việt Nam phải đi nhập về, do trong nước không tự sản xuất được.

Có thể bởi những nguyên nhân trên mà bầu Đức vẫn chưa kiếm lời nhiều từ lĩnh vực cao su và quyết định bán lại để dành vốn đầu tư cho những công việc khác.

Được biết, Cao su Đông Dương hoạt động chính trong lĩnh vực trồng cây cao su và chế biến các sản phẩm từ cao su, trồng rừng và chăm sóc rừng, xây dựng nhà, công trình dân dụng, buôn bán máy móc thiết bị và phụ tùng khác, vận tải hàng hóa.

Tại báo cáo tài chính 2018, về mảng cao su, HAGL cho biết đã và đang duy trì ổn định và chăm sóc 47.122 ha cao su, trong đó 20.361 ha tại Lào, 4.972 tại Việt Nam và 21.789 ha tại Campuchia.

HAGL đang vận hành một nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào. Dự kiến đến năm 2022, toàn bộ diện tích cao su sẽ được đưa vào khai thác nếu giá mủ cao su phục hồi.

Kim Ngọc

Theo PLN

largeer