Vì sao 4.000 xe Grab hoạt động nhưng Đà Nẵng không thu được một xu tiền thuế?
Tại Đà Nẵng có hơn 4.000 ô tô của Grab hoạt động dịch vụ vận tải hành khách nhưng công ty chủ quản không đóng một đồng thuế nào cho thành phố.
Ngày 7/4, ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục thuế TP. Đà Nẵng cho biết, hơn 2 năm qua, Công ty TNHH Grab không đóng thuế cho thành phố.
“Thực tế, dù biết Grab hoạt động sai phép trên địa bàn nhưng Sở Giao thông-Vận tải Đà Nẵng chưa hề có văn bản nào gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để có biện pháp xử lý triệt để. Trong năm 2018, Sở Giao thông - Vận tải đã xử phạt số tiền hơn 1 tỷ đồng liên quan việc Grabcar chạy chui”, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư nói.
Ông Ân giải thích, theo quy định, do Grab chỉ có văn phòng đại diện ở Đà Nẵng nên Cục Thuế không thể thu thuế của doanh nghiệp này.
Được biết, Văn phòng đại diện của Công ty TNHH Grabtaxi được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận lần đầu vào ngày 17/10/2016 và đăng ký thay đổi lần 1 vào ngày 26/1/2018.
Hiện Văn phòng của Công ty TNHH Grabtaxi đóng tại số 324 đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ.
Hằng ngày, văn phòng của công ty nay rất đông người đến tìm hiểu, đăng ký hoặc giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động của Grabcar, Grabbike.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng khẳng định, văn phòng này chỉ có chức năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm chứ không được triển khai hoạt động kinh doanh, không được tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký chạy Grab của người dân.
“Văn phòng đại diện chỉ được giới thiệu sản phẩm của công ty chứ hoàn toàn không được kinh doanh ở đó. Nếu Grab triển khai các hoạt động ở đây thì đó là hoạt động chui. Thực tế Sở Giao thông - Vận tải cũng không đồng ý cho Grab triển khai hoạt động ở Đà Nẵng”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng nói.
Dù UBND TP. Đà Nẵng không cho phép Grab hoạt động ở địa bàn nhưng cũng không có cơ sở nào để cấm doanh nghiệp này mở văn phòng đại diện. Doanh nghiệp đã được vào Việt Nam, đăng ký trụ sở tại TP.HCM nên họ có quyền đề nghị mở văn phòng đại diện. Có thể không cho Grab hoạt động tại Đà Nẵng chứ không có cơ sở nào để cấm họ mở văn phòng đại diện.
Chức năng quản lý hoạt động vận tải là của Sở Giao thông - Vận tải. Ngoài ra, Đà Nẵng cấm Grabcar hoạt động nên nếu phát hiện văn phòng đại diện Grab hoạt động không đúng ngành nghề hoặc kinh doanh ngành nghề không đủ điều kiện thì Sở Sở Giao thông - Vận tải có văn bản đề nghị để Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng tạm dừng giấy phép kinh doanh.
Liên quan đến hoạt động vận tải hành khách của Grab, mới đây Hiệp hội Taxi Đà Nẵng đã thu thập hồ sơ, chứng cứ để kiện.
Theo thống kê của Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, hiện lượng xe của Grab ở Đà Nẵng là trên 4.000 xe, gấp gần 3 lần số lượng xe taxi vốn đã được thành phố quy hoạch là 1.700 chiếc.
Ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho biết, các doanh nghiệp thành viên đã ủy quyền cho Hiệp hội khởi kiện Grab Việt Nam và hiện Hiệp hội đang làm việc với đơn vị tư vấn pháp lý để hoàn tất hồ sơ, thủ tục.
“Chúng tôi đã gửi hồ sơ cho bên tư vấn pháp lý nghiên cứu các quy định của pháp luật xem Grab hoạt động như vậy có vi phạm pháp luật hay không?”, ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, mặc dù Grab có những văn bản để xin phép nhưng UBND TP. Đà Nẵng chưa chấp thuận cho Grab hoạt động trên địa bàn thành phố.
Thực tế, việc Grab hoạt động đã trực tiếp gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp trong Hiệp hội Taxi Đà Nẵng khi đơn vị này không đóng thuế dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh. Vì vậy, các thành viên yêu cầu Hiệp hội thu thập, chuẩn bị các thủ tục pháp lý và nếu có đầy đủ bằng chứng vi phạm của Grab thì sẽ khởi kiện.
Xuân Tiến
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội