Ví điện tử đa cấp không phép rầm rộ giăng 'bẫy lừa'
Nhiều ví điện tử hoạt động theo hình thức đa cấp, ra sức lôi kéo mọi người đầu tư tiền ảo, dù đã bị cơ quan chức năng cảnh báo “có dấu hiệu lừa đảo”.
Thách thức cơ quan chức năng
Đầu tháng 11, lần thứ hai, Bộ Công an đưa ra cảnh báo: ví điện tử PayAsian chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty cổ phần PayAsian.
Cảnh báo này cũng có nghĩa, số tiền nạp vào ví điện tử này không thể sử dụng. Các nhà đầu tư muốn rút tiền, chỉ có cách bán đồng PAYA ảo - là đồng tiền thanh toán của ví điện tử PayAsian - cho nhà đầu tư trong nội bộ. Nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận rủi ro. Hoạt động của Công ty cổ phần PayAsian có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bất chấp cảnh báo, nhiều nhà đầu tư vẫn “ném tiền” vào ví điện tử này. Hoạt động giao dịch, mua bán tiền ảo trên các fanpage có tên “Ví điện tử Payasian” vẫn diễn ra khá sôi động; các chủ trang cũng tìm cách trấn an rằng, lời cảnh báo của Bộ Công an là bôi nhọ đơn vị này, kèm theo đó là những hứa hẹn về những lợi nhuận khổng lồ khi đầu tư. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ví điện tử này có hàng ngàn nhà đầu tư.
Để tăng niềm tin cho các nhà đầu tư, chủ ví điện tử này còn thông báo bằng email rằng sẽ ra mắt một cổng thanh toán, sàn giao dịch quốc tế; sàn này giúp nhà đầu tư dễ dàng đổi từ đồng PAYA ảo sang các loại tiền ảo khác như bitcoin, ethereum. Bên trong trụ sở Công ty cổ phần PayAsian - 137 Hoàng Văn Thụ, P.8, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - các quầy bán hàng lưu niệm và quán cà phê vẫn treo bảng chấp nhận thanh toán hàng hóa bằng ví điện tử Payasian.
Tràn ngập ví trữ tiền ảo, nhận lãi kiểu đa cấp
Ngoài ví điện tử Payasian, nhiều người còn rủ nhau đầu tư vào ví điện tử S-Block. Ví này quảng cáo có nguồn gốc từ Thụy Điển, vừa xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 6/2019 nhưng tốc độ lan truyền rất nhanh, đến nay đã thu hút 4.491 thành viên là người Việt Nam nhờ hoạt động theo hình thức đa cấp. Khi thử đăng ký thành viên của một nhóm đầu tư trên ví điện tử này, chúng tôi nhận được rất nhiều lời mời gọi tham gia đầu tư với những lời thuyết phục là “sẽ giàu lên nhanh chóng”.
Ví này phát hành đồng tiền ảo có tên SBO. Hình thức lôi kéo chủ yếu là đánh vào lòng tham của người chơi, càng đóng nhiều tiền và kêu gọi thêm được nhiều người tham gia, càng nhận hoa hồng cao.
Có bốn gói đầu tư, thấp nhất là 200.000 đồng và cao nhất là 1,1 tỷ đồng. Nếu tham gia gói từ 200.000 đồng đến 7 triệu đồng, sẽ được trả lợi nhuận 6-15%/tháng, không được nhận hoa hồng; nếu tham gia gói từ 7-22 triệu đồng, sẽ được nhận lợi nhuận từ 7-12 triệu đồng/năm, cộng hoa hồng; tham gia gói 22 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng, sẽ nhận lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/năm, cộng hoa hồng; tham gia gói 1,1 tỷ đồng trở lên, sẽ nhận lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm, cộng hoa hồng.
Bên cạnh đó, nếu giới thiệu được một người tham gia đầu tư, sẽ nhận được 100% thu nhập hằng ngày của người được giới thiệu, giới thiệu từ 2-10 người, ngoài nhận được 100% hoa hồng, còn được cộng thêm 10% hoa hồng gián tiếp của số người trên.
Số tiền nạp vào ví điện tử này không thể sử dụng. Các nhà đầu tư muốn rút tiền, chỉ có cách bán đồng PAYA ảo - là đồng tiền thanh toán của ví điện tử PayAsian - cho nhà đầu tư trong nội bộ. Nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận rủi ro. Hoạt động của Công ty cổ phần PayAsian có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tương tự, ví điện tử Plus Token cũng quảng cáo lợi nhuận đầu tư vào ví này lên đến 18%/tháng; nếu giới thiệu người tham gia, cũng nhận được mức hoa hồng cao như ví điện tử S-Block. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, website của ví điện tử này không có thông tin công ty đứng sau, chỉ có tên người sáng lập là Mr Leo, nhưng cũng không có thông tin gì về ông này, chỉ có duy nhất một địa chỉ email.
Ngoài ra, hiện còn có nhiều ví điện tử “trữ coin nhận lãi” theo hình thức đa cấp khác như Cloud Token, SCF Token, Plus Token, Wo Token… Các ví này đang được nhiều người nổi tiếng quảng cáo nên cũng nườm nượp nhà đầu tư. Điểm chung của các ví điện tử này là hứa mức lãi cao, từ 10-20%/tháng.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - các ví điện tử PayAsian, S-Block, Plus Token và nhiều ví điện tử có chức năng sinh lời khác đang mượn danh “ví trữ tiền điện tử” nhưng bản chất là một mô hình Ponzi, tức một hình thức huy động vốn đa cấp bất hợp pháp, một mô hình kinh doanh lừa đảo kinh điển trong lịch sử.
Những dự án Coin MLM - kinh doanh đa cấp tiền điện tử - nổi tiếng trong lịch sử như Bitconnect, Hextracoin, iFan, Onecoin… đã sập trước khi lừa được rất nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua. Các ví điện tử như PayAsian, S-Block, Plus Token… sớm muộn cũng sẽ sập sau khi lừa được nhà đầu tư đóng tiền thật. Các ví này không bỏ vốn, mà chỉ lấy tiền của người đến sau để trả cho người đến trước, khi không có người đóng tiền vào thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ rất khó lấy lại số tiền đã đầu tư. “Chiêu bài của các chủ kinh doanh đa cấp biến tướng này đang áp dụng chính là quảng cáo góp vốn đầu tư để sinh lời cao và người bị lừa là những người hám lợi” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.
Theo các chuyên gia, với các hình thức kinh doanh tiền ảo đa cấp này, cần phải có công cụ pháp luật để quản lý, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu: lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn.
Thanh Hoa
-
Vụ hộ dân đòi 167 tỉ đồng vì cánh quạt điện gió rơi: Bất ngờ số tiền được nhận
-
Người phụ nữ bị lừa 1 tỷ đồng khi đăng ký giải chạy cho con
-
Mất bản cứng giấy phép lái xe, có thể xuất trình bản tích hợp trên VNeID?
-
Bộ Công an đề xuất cấp tài khoản định danh điện tử cho cả trẻ em dưới 6 tuổi
-
Chuyển 55 vụ khởi tố hình sự về gian lận thương mại, hàng giả
-
Vụ cháy chung cư mini: Công an mời 6 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội quản lý lên làm việc