Vay tiền online: “Ác quỷ hút máu” thời công nghệ
Trong số báo trước, Báo Người Tiêu Dùng đã đề cập việc các công ty cho vay trên mạng tiếp cận khách hàng và dẫn dắt con nợ vào các bẫy nợ với số tiền nhỏ, nhưng lãi suất siêu khủng. Tình trạng này đã khiến người lao động nghèo, học sinh sinh viên không có khả năng thanh toán. Và bắt đầu từ đây, các phương thức thu hồi nợ kiểu “giang hồ” xuất hiện, khiến cho nhiều người khiếp đảm.
Gọi điện hù dọa, đòi nợ bất kỳ ai có liên quan
Theo chia sẻ của nhiều người, phương thức đầu tiên mà các tổ chức này áp dụng khi thu hồi nợ là “khủng bố” bằng các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn SMS và tin nhắn Zalo bất kể ngày đêm.
Con nợ H. chia sẻ, ngoài việc gửi tin nhắn với nội dung nhờ “anh em giang hồ” vào cuộc truy tìm để “xử lý”, nhân viên Vdong còn dùng lời lẽ tục tĩu kiểu “dân anh chị” để hăm dọa đến tính mạng của cả gia đình người vay. “Gia đình tôi luôn phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo âu cho đến khi trả xong nợ” - anh H. nhớ lại.
Ngoài ra, nhờ việc “xâm nhập” trái phép vào điện thoại của khách hàng ngay từ lúc đầu mà các tổ chức này đã nắm trong tay danh bạ, danh sách cuộc gọi của khách. Nhờ vậy, trong quá trình thu hồi nợ, nhân viên của các tổ chức này sẽ gọi điện và đòi nợ bất kỳ ai?!?
Nhân viên các công ty cho vay này sẽ nhìn vào lịch sử cuộc gọi trên điện thoại để đoán xem ai thường xuyên liên lạc với con nợ là đưa vào “tầm ngắm”. Sau đó, hàng loạt câu chuyện “vu vơ” sẽ được những nhân viên này vẽ ra để hù dọa bạn bè, người thân trả nợ thay cho khách hàng đó.
Các công ty này xâm phạm đời tư của khách hàng một cách trắng trợn. “Họ gọi cho nữ đồng nghiệp của tôi rồi bịa ra câu chuyện là tôi có vay tiền của công ty họ để mua quà tặng bạn này và yêu cầu cô ấy trả nợ thay” - H. bực tức kể lại.
Hay như Evay thì gọi cho người thân của anh M.: “Anh M. có vay bên tôi một số tiền để lo Tết cho gia đình, giờ nó không trả thì gia đình trả đi”.
Đặc biệt, những tổ chức như MyĐồnga, MOFA, Doctor Dong còn “liên kết” với những công ty đòi nợ thuê như Xương Rồng, AMG Collect... để “xử lý” những khách hàng chậm thanh toán.
Thương lượng lãi suất rồi “lật lọng” đòi nợ tiếp
“Có vay thì có trả” là nỗi niềm và cam kết của các con nợ. Tuy vậy, cách tính lãi suất “cắt cổ” của các tổ chức này khiến nhiều người mất khả năng thanh toán.
Không chấp nhận với cách tính lãi trên, nhiều người đã thỏa thuận với các nhân viên thu hồi nợ của các tổ chức này để có thể thanh toán một số tiền hợp lý hơn.
Như trường hợp của anh T., do anh không có khả năng thanh toán khoản vay cho iDong nên em trai anh đã đứng ra thỏa thuận rồi thanh toán giúp anh trai mình.
“Nam nhân viên nói giọng miền Bắc tên Hùng của iDong nói anh tôi nợ hơn 5,9 triệu đồng trong khi thực vay là 3,9 triệu. Sau khi thỏa thuận, Hùng đã đồng ý cho tôi thanh toán số tiền 4,3 triệu đồng rồi xóa nợ” - em trai anh T. nhớ lại.
Tuy nhiên, sau khi thanh toán xong số tiền như đã thỏa thuận thì lại có một nhân viên nữ gọi điện và báo là “Anh T. vẫn còn nợ hơn 1,6 triệu đồng”. Nữ nhân viên này cho biết: “Hùng đã chuyển bộ phận khác, với lại anh ta không có quyền giảm lãi cho khách hàng”.
Nhưng “trắng trợn” nhất có thể kể đến Qdong. Qua Zalo, anh M. và nhân viên của Qdong đã nói chuyện và chốt số tiền cần phải thanh toán là 2,36 triệu đồng, anh M. sau đó đã thanh toán được 1,62 triệu.
Tưởng chỉ còn việc phải đóng 740.000 đồng nữa là “sạch” nợ. Tuy vậy, ít ngày sau, một nhân viên khác của Qdong đã liên lạc và thông báo anh còn nợ số tiền gần... 4 triệu đồng.
Vay online có là P2P lending?
Vay online thực chất là hình thức cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P lending), giống như bạn bè hay người thân cho nhau vay tiền theo lãi suất hợp lý. Thông thường, công ty P2P sẽ đứng ra thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân khác vay qua trang web hoặc nền tảng ứng dụng riêng của mình.
Xuất hiện lần đầu ở Anh vào năm 2005, P2P hiện đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam. Do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng nên hoạt động của các P2P ở Việt Nam hiện khá nhập nhèm, rất khó quản lý.
Hiện nay, không khó để tìm được một đơn vị cho vay online, nhưng thực chất chỉ có vài công ty thực sự hoạt động theo hình thức P2P. Phần lớn chỉ là đang “núp bóng” P2P để hoạt động theo hình thức tín dụng đen, cho vay với lãi suất “cắt cổ”, thu hồi vốn theo kiểu “xã hội đen”...
Năm 2019, Bộ Công an ra quân tổng lực đấu tranh, truy quét các băng nhóm tín dụng “đen” núp bóng các công ty tài chính này. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 4 năm qua trên cả nước đã xảy ra 7.625 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng “đen”. Trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích...
Cuối tháng 11/2018, Công an Thanh Hóa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đã triệt phá tổ chức tín dụng “đen” được cho là lớn nhất cả nước núp bóng dưới vỏ bọc là công ty tài chính Nam Long. Đây là tổ chức đã giao dịch hơn 500 tỷ đồng, từng ép khách phải trả lãi 1.000%/năm.
Ở một diễn biến khác, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) hiện đang xúc tiến triển khai ít nhất 5.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng tín chấp, đáp ứng nhu cầu đột xuất, cấp thiết của khách hàng.
Đây được xem là một trong những động thái nhằm đẩy lùi và tiến tới xóa sổ các tổ chức tín dụng “đen” của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thanh Minh
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm