Vải thiều Bắc Giang được tạo điều kiện thông quan nhanh

Thứ bảy, 09/06/2018, 16:06 PM

Thông tin này được đưa ra tại Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều tổ chức ngày 8.6. Diễn đàn do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức, có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đông đảo của doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước.

Đặc sản vẫn gặp khó về thị trường

Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay: Năm 2017, Bắc Giang đã phê duyệt danh mục 52 nông sản đặc trưng, chủ lực và tiềm năng của địa phương, trong đó vải thiều là sản phẩm đặc sản nổi tiếng của tỉnh, luôn được quan tâm chú trọng. Ngay khi kết thúc vụ vải thiều năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác; mở rộng các vùng trồng theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP; quản lý chặt chẽ thị trường kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng trưng bày sản phẩm vải thiều đặc sản của tỉnh Bắc Giang tại Diễn đàn ngày 8.6. Ảnh: Quang Chương

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng trưng bày sản phẩm vải thiều đặc sản của tỉnh Bắc Giang tại Diễn đàn ngày 8.6. Ảnh: Quang Chương

Do thời tiết thuận lợi, bà con tập trung thâm canh nên năm nay, sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 150.000 - 180.000 tấn. "Để bảo đảm đầu ra cho vải thiều, Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường. Tuy vậy, khâu tiêu thụ nông sản nói chung, vải thiều nói riêng trong thời gian qua vẫn còn khó khăn, công nghệ bảo quản cũng còn hạn chế" - ông Thái nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay, đối với thị trường nội địa, tỉnh xác định Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là thị trường quan trọng. Đến nay, vải thiều Lục Ngạn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ tại các siêu thị lớn như Metro, Co.opmart, Happro, BigC, các chợ đầu mối hoa quả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục mở rộng, phát triển các thị trường mới ở miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

“Đối với thị trường xuất khẩu, chúng tôi vẫn xác định Trung Quốc là thị trường truyền thống, ngoài ra tỉnh đang tiếp tục nâng cao sản lượng xuất khẩu vào các thị trường: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; mở rộng thị trường khác như Trung Đông, Thái Lan, Canada…” – ông Thái nói.

Cũng theo ông Thái, dự kiến tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước năm nay vào khoảng 80.000 - 90.000 tấn, chiếm 50%; xuất khẩu chiếm 50%. “Bắc Giang rất mong các doanh nghiệp tiếp tục ký kết hợp đồng để ổn định tiêu thụ, nhất là các thương nhân Trung Quốc khi sang tận tỉnh giám sát, thu mua vải thiều cần sớm ký hợp đồng chính thức với các HTX, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng mong lãnh đạo Bộ NNPTNT, Bộ KHCN tiếp tục giúp đỡ tỉnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào bảo quản quả tươi để kéo dài khung thời vụ” - ông Thái bày tỏ.

Nói về giải pháp thị trường bền vững lâu dài cho quả vải thiều, ông Thái đề nghị Bộ NNPTNT tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc về điều kiện xuất khẩu vải thiều chính ngạch; đề nghị Chính phủ Trung Quốc sớm phê chuẩn dịch vụ visa tại chỗ của cửa khẩu Hữu Nghị và triển khai mô hình thông quan “hai quốc gia một kiểm tra”. Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ tỉnh kết nối với các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu…

“Chắp cánh” cho vải thiều bay xa

Ông Thang Thành Vỹ - Chủ tịch Hiệp hội Trái cây quốc tế Bằng Tường (Trung Quốc) cho hay, vải thiều Bắc Giang chín sớm hơn 20 ngày so với vải của Trung Quốc, được thị trường Trung Quốc ưa chuộng từ nhiều năm nay và tiêu thụ nhiều tại các thành phố lớn như Thẩm Quyến, Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thẩm Dương…

“Các loại quả này đa phần đi qua cửa khẩu thuộc thị Bằng Tường. Đồng hành với doanh nghiệp thu mua nông sản của hai nước, thời gian qua, Hiệp hội đã làm việc với đơn vị chuyên môn của thị trấn Bằng Tường, đề nghị tạo điều kiện trong khâu kiểm dịch cũng như thủ tục hành chính cho mặt hàng tươi sống, nhất là vải thiều Bắc Giang thông quan nhanh" - ông Vỹ cho hay. 

Theo ông Vỹ, trước sự đòi hỏi quy định về chất lượng nông sản của tỉnh Quảng Tây ngày càng cao, đề nghị cơ quan chuyên môn của Bắc Giang hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo đảm không có tồn tư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Các doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều cần lựa chọn bao bì đóng gói hạn chế ô nhiễm môi trường.

Phát biểu tại điễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang. Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, tổ chức đúng thời điểm chuẩn bị vụ thu hoạch chính nên sẽ góp phần thúc đẩy tiêu thụ cho bà con nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Theo Phó Thủ tướng, trước mắt tỉnh Bắc Giang cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ hậu cần hỗ trợ tiêu thụ vải thiều. Thường xuyên phối hợp với các tỉnh, thành phố để thông tin kết nối cung cầu, chào hàng các doanh nghiệp, thương nhân đến đàm phán, tiêu thụ vải thiều. Đặc biệt, tỉnh cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sang thu mua vải thiều, chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc nghiêm túc, đồng thời sớm thực hiện mua bán theo hợp đồng thương mại chính thức, phòng tránh rủi ro cho cả người trồng vải và doanh nghiệp tiêu thụ.

Cán bộ cửa khẩu làm tăng ca giúp tiêu thụ vải nhanh hơn

Trong khuôn khổ Diễn đàn, chiều 7.6, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang đã có cuộc làm việc với đoàn đại biểu tham dự hội nghị đến từ tỉnh Quảng Tây và huyện Hà Khẩu (Trung Quốc). Tại buổi làm việc, ông Trang Nham - Trợ lý Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây cho hay, từ ngày 1.6.2018, cán bộ làm việc tại cửa khẩu Hữu Nghị, thị trấn Bằng Tường đã làm tăng ca để nông sản, nhất là vải thiều của Việt Nam được nhanh chóng thông quan.

Trần Quang - Nguyễn Chương

Theo DV

largeer