Ưu, nhược điểm của các trang thương mại điện tử

Thứ năm, 21/05/2020, 09:04 AM

Hiện nay hình thức mua bán trực tuyến đã phát triển như vũ bão. Nhiều trang thương mại điện tử đã đẩy mạnh chiến lược và cách thức để thu hút người dùng mà quan trọng nhất là khâu liên kết giao hàng.

Các trang thương mại điện tử Việt Nam hiện nay đều có những ưu và nhược điểm riêng. Người tiêu dùng theo đó mà có những lựa chọn phù hợp

Các trang thương mại điện tử Việt Nam hiện nay đều có những ưu và nhược điểm riêng. Người tiêu dùng theo đó mà có những lựa chọn phù hợp

Tuy nhiên mỗi trang TMĐT có những lợi thế và hạn chế riêng. Do vậy nhà bán hàng cân nhắc nên bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada hay Tiki dựa trên sản phẩm, nhân lực, nguồn vốn của cửa hàng. Đồng thời dựa trên các ưu, nhược điểm cũng là cách để khách hàng lựa chọn nơi mua sắm cho phù hợp.

Hoạt động giao nhận hiện nay chủ yếu là do các doanh nghiệp TMĐT tự triển khai, việc chuyển hàng rộng rãi đến các tỉnh thành trong cả nước gặp nhiều hạn chế vì lý do chi phí. Điều đó phần nào đã thu hẹp phạm vi hoạt động thị trường TMĐT, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thì tình hình cạnh tranh của thị trường ngày càng gay gắt.

Shopee

Shopee là một trang TMĐT ra đời chưa lâu nhưng hiện thu hút được rất lớn lượng nhà bán hàng cũng như người tiêu dùng hiện nay. Với tiêu chí giá cạnh tranh bậc nhất và khá được lòng khách hàng trong khâu thanh toán và giao nhận.

Hiện nay Shopee cũng có nhiều chính sách, hạn mức mua hàng để khách hàng được ưu đãi phí vận chuyển. Ví dụ sẽ được miễn phí nội thành. Nếu là đơn hàng ngoài tỉnh, khách hàng cũng có thể chọn các loại hình giao hàng khác nhau để có thể tiết kiệm chi phí hơn như: Giao hàng tiết kiệm, J&T Express, Giao hàng nhanh. Hiện nay các nhà vận chuyển cũng cạnh tranh nhau nên thường có nhiều chính sách hỗ trợ giảm và miễn phí vận chuyển.

Lựa chọn đơn vị giao nhận hàng uy tín, chất lượng là phương châm hàng đầu để các trang thương mại điện tử thu hút khách hàng. Ảnh: N.N

Lựa chọn đơn vị giao nhận hàng uy tín, chất lượng là phương châm hàng đầu để các trang thương mại điện tử thu hút khách hàng. Ảnh: N.N

Nhược điểm lớn nhất của Shopee là rất nhiều shop giao hàng không đúng màu, đúng kích thước. Khi giao hàng đến, người tiêu dùng không được kiểm tra sản phẩm. Nếu như không ưng ý, khách hàng phải gửi mail, chờ đợi phản hồi từ Shopee rồi đơn vị bán hàng, đến 3 - 4 khâu dài ngày mới mong có thể đổi trả sản phẩm.

Lazada

Ưu điểm lớn nhất của Lazada là có thể kiểm tra hàng trước khi nhận, nếu sản phẩm không ưng ý thì người mua có thể từ chối nhận hàng, để không phải mất công đổi trả sau đó.

Tuy nhiên, Lazada vẫn tồn tại một số hạn chế trong dịch vụ giao hàng như:

 Chỉ giao hàng vào các ngày thường. Thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ, Tết đều nghỉ theo quy định của nhà nước. Khách hàng đặt hàng vào cuối tuần thì phải đợi sang tuần mới bắt đầu được giao, với khung giờ không thoải mái như vậy thì nhiều khách hàng cảm thấy không được hài lòng.

- Không ít ý kiến phản hồi rằng Lazada giao hàng thường xuyên không đúng hẹn. Dù trên web ghi rõ giao hàng từ 1- 3 ngày nhưng có khi tới 1 tuần, nửa tháng khách hàng mới nhận được là chuyện bình thường.

Tiki

Tiki là trang TMĐT khá được lòng khách hàng về khoản ship, có thể giao hàng cả vào thứ 7 và chủ nhật.

Tiki còn có dịch vụ giao hàng nhanh 2h và 24h dành cho một số khu vực trên địa bàn TP.HCM được rất nhiều khách hàng chọn lựa, khi đặt hàng chỉ trong vài tiếng là đã nhận được hàng ngay.

Trước khi giao hàng, người giao hàng (shiper) cũng nhắn tin tới khách hàng thời gian giao chính xác.

Kiểm tra sản phẩm ngay khi nhận được hàng cũng là một điểm cộng dành cho Tiki. Nếu không hài lòng có thể gửi trả lại ngay shiper mà không mất thêm thao tác nào cả.

Nhược điểm lớn nhất của Tiki  là việc giao hàng ngoài tỉnh phải chờ đợi rất lâu, có khi đến 10 ngày, khiến nhiều khách hàng phải hủy mua sản phẩm.

Nguyễn Ngọc

Theo CLCS