Ứng dụng robot trong sản xuất ở Việt Nam: Thị trường rất giàu tiềm năng
Việt Nam đang chuyển mình trở thành một cơ sở sản xuất toàn cầu, với nhu cầu về robot được ước tính sẽ lên tới 1 triệu con vào năm 2020.
Theo ước tính của HBS (Tổ chức nghiên cứu trường Harvard), năm 2019, số lượng robot tại Việt Nam sẽ tăng lên 414.000 con. Hiện, nhiều thương hiệu tự động hóa trên thế giới đã đến Việt Nam để chia lại thị phần.
Tổng Giám đốc ABB Việt Nam, ông Brian Hull cho biết, sản lượng của ABB (một trong những thương hiệu lớn trong ngành robot thế giới) tại Việt Nam trong 3 năm gần đây đã tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Tập đoàn này đã dành 50% sản lượng tại Việt Nam để xuất khẩu, phần còn lại phục vụ tại thị trường nội địa.
Ngoài ABB, một số các tên tuổi trong ngành robotic khác cũng xuất hiện tại Việt Nam như Universal Robots (UR), ABB, Yaskawa Kuka...
Thực tế, nhiều nhà máy của Việt Nam đang dịch chuyển dần sang tự động hóa thay cho hoạt động sản xuất gần như thủ công trước đây. Chẳng hạn, Vinamilk đã chi hàng ngàn tỉ đồng cho tự động hóa. Xu hướng này không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp tư nhân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng bắt đầu tìm hiểu các giải pháp kỹ thuật số cho các trạm biến áp và nhà máy điện.
Tuy nhiên, báo cáo mới đây của World Bank (Ngân hàng thế giới) cho thấy, robot được sử dụng trong sản xuất của Việt Nam thuộc nhóm thấp trong khối ASEAN-6. Thế nhưng, đây lại cũng là cơ hội cho thị trường robot mở ra khi Việt Nam muốn thúc đẩy năng suất, chất lượng hàng hóa lên mức cao hơn.
Universal Robots cũng dự đoán lĩnh vực tự động hóa của Việt Nam sẽ trị giá khoảng 184,5 triệu USD vào năm 2021. Đó chính là lý do hãng quyết không thể bỏ qua việc giành thị phần tại Việt Nam.
"Trong khu vực, việc triển khai robot ở Việt Nam vẫn còn thấp. Ở Đông Nam Á, Singapore dẫn đầu việc sử dụng robot với 488 con/10.000 lao động, tiếp theo là Thái Lan và Malaysia với 45 con và 34 con. Chính vì vậy, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho chúng tôi", bà Shermine Gotfredsen, Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương tại UR cho hay.
Giới chuyên gia nhận định, hiện có 2 thách thức lớn tại thị trường Việt Nam trong việc tăng khả năng ứng dụng robot vào tự động hóa. Đó là nhân lực và thuyết phục khách hàng về giá trị thực mà robot mang lại.
"Việt Nam rất thiếu nhân lực, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư giỏi. Rất khó tìm được đúng người để giao đúng việc. Ngoài ra, thuyết phục khách hàng về giá trị thực mà robot mang lại là không dễ dàng. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào tự động hóa của doanh nghiệp cũng phụ thuộc nhiều yếu tố như chính sách của Nhà nước, định giá của tiền đồng Việt Nam và việc tiếp cận vốn", ông Brian Hull cho hay.
Hiện nay, Chính phủ đang tập trung vào việc phát triển các sáng kiến và ban hành pháp luật để đẩy nhanh quá trình tự động hóa. Đây là xu hướng bắt buộc khi giá nhân công của Việt Nam không còn rẻ và đang ngày một cao hơn, trong khi giá công nghệ đang xu hướng giảm dần, kéo giá bán robot xuống mức thấp hơn.
Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế và đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, cũng ưu tiên vào tầm quan trọng của robot công nghiệp và tự động hóa công nghệ cao.
Chính phủ xác định hướng tập trung vào các công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) như robot, AI, blockchain... góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển của nền kinh tế. Ước tính của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương mới đây cho thấy, đến năm 2030, CMCN 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5-62,1 tỉ USD, tương đương mức tăng GDP 7-16% tùy theo từng kịch bản.
Vân Anh
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng