Tỷ lệ CASA của các ngân hàng giảm mạnh
Tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (CASA) đang có xu hướng giảm, gây áp lực không nhỏ lên các ngân hàng.
Với lãi suất gần như bằng 0, tiền gửi thanh toán hay tiền gửi không kỳ hạn (CASA) luôn là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn bởi nó tạo ra nguồn vốn giá rẻ, giúp ngân hàng giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, dòng vốn rẻ này đang có xu hướng giảm.
Báo cáo tài chính cho thấy, trong quý I/2023, CASA ở các ngân hàng đồng loạt giảm mạnh. Điển hình, tại Techcombank, tỷ lệ CASA giảm từ 37% xuống 32%; MB giảm từ 40,6% xuống 35,5%; Vietcombank giảm từ 33,9% xuống 30,4%; MSB giảm từ 31,1% xuống còn 22,6%. ACB có tỷ lệ CASA cao thứ 5 hệ thống cũng ghi nhận tỷ lệ này giảm từ 22,3% hồi đầu năm xuống còn 20,16% vào cuối tháng 3; tỷ lệ CASA của VietinBank điều chỉnh từ 20% xuống 18%...
Với lãi suất khoảng 0,2% áp dụng cho tiền gửi thanh toán hay tiền gửi không kỳ hạn, nhiều người có xu hướng gửi tiền có kỳ hạn để lấy lãi cao. Tính chung 28 ngân hàng niêm yết hiện chỉ nắm giữ hơn 1,5 triệu tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, giảm gần 11% so với đầu năm.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), dù vẫn dẫn đầu toàn hệ thống về số dư CASA với hơn 387.700 tỷ đồng nhưng tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi tại ngân hàng này đã giảm từ mức 33,9% hồi đầu năm xuống còn 30,4% khi kết thúc quý I, đứng sau MB và Techcombank.
Xét về tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi, top đầu ngoài 3 ngân hàng trên còn có Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với 21,2%; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với 19,7%; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) 17,54%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 17,04%; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 15,85%... So với đầu năm, tỷ lệ này giảm từ 2 đến 10 điểm % tùy mức độ từng ngân hàng.
Tính chung 28 ngân hàng niêm yết đang nắm giữ hơn 1,5 triệu tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, giảm gần 11% so với đầu năm. Trong quý vừa qua, chỉ có duy nhất 1 ngân hàng ghi nhận số liệu tăng trưởng dương về CASA là Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) với mức tăng 12,37% so với đầu năm, đưa số dư tiền gửi không kỳ hạn lên hơn 2.300 tỷ đồng.
Do bối cảnh kinh tế khó khăn, cơ hội đầu tư ít đi, trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ cuối năm 2022 đến đầu quý I/2023 lại tăng cao khiến khách hàng có xu hướng chuyển tiền từ tài khoản vãng lai vào tiền gửi có kỳ hạn để hưởng các mức lãi suất cao này.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, tỷ lệ CASA giảm được dự báo sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn và sẽ sớm hồi phục trong thời gian tới.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) dự báo, tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn vẫn ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 và sẽ được cải thiện hơn khi lãi suất huy động dần hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay.
TRANG NHI
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường