Tỷ giá USD ngân hàng vượt 23.000 đồng/USD, doanh nghiệp bắt đầu lo
Tỷ giá USD trong các ngân hàng thương mại hôm nay 29-6 chính thức vượt 23.000 đồng/USD sau vài ngày tăng liên tục
Tỉ giá trung tâm hôm nay được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm nhẹ so với phiên trước, ở mức 22.650 đồng/USD. Trong khi đó, giá USD trong các NH thương mại lại tiếp tục tăng mạnh, vượt mốc 23.000 đồng/USD.
Eximbank giao dịch USD nhích hơn, khi niêm yết giá USD mua vào 22.930 đồng/USD, bán ra 23.000 đồng/USD, tăng 20 đồng mỗi đô la Mỹ so với phiên trước.
Tương tự, NH TMCP Phương Đông (OCB) công bố bán USD giao dịch bằng hình thức chuyển khoản ở mức 23.000 đồng/USD, trong khi bán tiền mặt là 23.010 đồng/USD, tăng 20 đồng mỗi đô-la Mỹ so với cuối ngày hôm qua.
Tại Vietcombank, giá USD được niêm yết ở mức 22.920 đồng/USD mua vào, 22.990 đồng/USD bán ra, tăng thêm khoảng 15 đồng mỗi USD so với phiên trước.
Trong khi giá USD ở các NH thương mại chưa hết đà tăng thì giá USD trên thị trường tự do lại đi xuống. Sáng 29-6, một số điểm thu đổi ngoại tệ tại TP HCM báo giá USD mua vào 23.030 đồng/USD, bán ra 23.100 đồng/USD, giảm nhẹ so với cuối ngày 28-6. Nếu tính ở mức đỉnh của USD tự do từ tuần trước đến nay, giá bán ra USD tự do đã giảm khoảng 60 đồng/USD.
Với mức tăng tỉ giá USD/VNĐ từ đầu năm đến nay khoảng hơn 1%, những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang có lợi. Chủ tịch Hội đồng quản trị một DN xuất khẩu dệt may cho biết DN ông vay ngoại tệ để phục vụ hoạt động sản xuất, gia công hàng xuất khẩu nhưng có nguồn thu 100% là USD nên khi tỉ giá tăng sẽ có lợi đáng kể. Phần chênh lệch giữa khoản vay USD từ NH thương mại và nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hàng dệt may, DN sẽ bán ra thị trường và hưởng lợi nhiều hơn nếu giá USD ở mức cao.
Đại diện một công ty logistics chuyên giao nhận, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại TP HCM cho biết công ty ông vừa bán ngoại tệ cho NH với giá 22.935 đồng/USD, mức khá cao so với trước đó. Do hoạt động trong lĩnh vực giao nhận xuất nhập khẩu nên mỗi tháng, doanh thu ngoại tệ của công ty khoảng 5 triệu USD. "Nguồn thu từ ngoại tệ của công ty lên tới hàng triệu USD nên việc giá USD tăng cao sẽ có lợi lớn. Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm, công ty đã bán hơn 20 triệu USD cho NH thương mại" - vị đại diện công ty này nói.
Ngược lại, các DN vay USD phục vụ cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào, nhưng lại không có nguồn thu ngoại tệ đủ trả nợ vay, sẽ bị ảnh hưởng nếu tỉ giá biến động mạnh. Giám đốc một DN xăng dầu cho biết công ty ông vay NH tiền đồng để kinh doanh rồi trả cho đối tác bằng ngoại tệ sau khi nhập hàng.
"Giờ giá USD tăng cao, DN không chỉ bị lỗ tỉ giá so với thời điểm ký hợp đồng mà còn bị lỗ chi phí nguyên phụ liệu đầu vào. Dù hồi đầu năm, trong kế hoạch DN đã lường trước biến động tỉ giá vào hoạt động kinh doanh nhưng nếu tỉ giá tăng trên 2% coi như DN không có lời" - vị giám đốc này lo lắng.
Dù xuất khẩu hưởng lợi khi tỉ giá tăng nhưng tổng giám đốc một DN xuất khẩu thủy sản cho rằng tỉ giá tăng trong ngắn hạn sẽ có lợi nhưng về lâu dài khách hàng sẽ tăng giá lên. Do đó, DN xuất khẩu cần ổn định tỉ giá và biến động trong biên độ nhất định chứ không hẳn là tăng - giảm quá mạnh.
Giá vàng tiếp tục giảm
Trên thị trường vàng, giá kim loại quý tiếp tục đi xuống trong lẫn ngoài nước. Cụ thể, 11 giờ trưa nay, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp vàng niêm yết mua vào 36,61 triệu đồng/lượng, bán ra 36,78 triệu đồng/lượng, giảm thêm 60.000 đồng/lượng so với phiên trước.
Kim loại quý trên sàn quốc tế tiếp tục giảm sâu trong phiên giao dịch. Lúc 10 giờ 30 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới ở mức 1.249 USD/ounce, giảm hơn 5 USD/ounce so với phiên trước. Đây cũng là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của giá vàng thế giới.
Phân tích từ Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho thấy những yếu tố như Mỹ nâng lãi suất cơ bản đồng USD, chính quyền Mỹ áp thuế nhập khẩu hàng hoá đối với Trung Quốc... đã tác động tiêu cực đến giá vàng. Nếu so với hồi đầu tháng 6, giá vàng hiện tại đã giảm khá sâu khoảng hơn 50 USD/ounce, tương đương mức giảm gần 4% và cũng rơi về mức thấp nhất trong hơn nửa năm qua.
Giá vàng thế giới liên tục giảm sâu trong khi giá vàng SJC chỉ điều chỉnh chậm chạp khiến khoảng cách chênh lệch nới rộng. Hiện giá vàng thế giới đang thấp hơn trong nước khoảng 2,2 triệu đồng/lượng.
Thái Phương
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường