Từ vụ 800.000 đồng/bộ sách lớp 1, sẽ xử nghiêm chuyện "nhập nhèm" SGK, sách tham khảo

Thứ tư, 09/09/2020, 15:25 PM

Vừa qua, việc một trường tiểu học ở TP.HCM giới thiệu tới phụ huynh bộ SGK, sách tham khảo, đồ dùng học tập lớp 1 với giá 807.000 đồng khiến dư luận bức xúc. Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) đã có trao đổi về vấn đề này.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết, thông qua các phương tiện truyền thông và từ phản ánh của phụ huynh, Bộ GD-ĐT đã nắm được thông tin có trường học “nhập nhèm”, chưa thực hiện đúng theo quy định về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo cho năm học mới.

Về vấn đề này, ông Tài cho biết, Bộ GD-ĐT đã quy định rõ ràng, sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc phụ huynh cần trang bị cho con. Còn với sách tham khảo, nhà trường có trách nhiệm lựa chọn tài liệu phù hợp và trang bị trong thư viện để phục vụ cho việc dạy học.

Việc đưa sách tham khảo vào trường học cũng phải trên cơ sở đề xuất của giáo viên và tổ chuyên môn. Bất cứ ai cũng không được ép buộc phụ huynh mua tài liệu tham khảo.

“Nhà trường không được lợi dụng vị trí của mình để ép buộc phụ huynh mua tài liệu tham khảo mà phải thông tin để phụ huynh mua theo nguyện vọng thực tế.

Như vậy, Bộ GD-ĐT đã quy định rất rõ ràng về tài liệu tham khảo và sách giáo khoa. Do đó, trường nào cung cấp thông tin làm phụ huynh hiểu nhầm tài liệu tham khảo là bắt buộc thì trường đó sai”, ông Tài nói.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) 

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) 

Cũng theo ông Tài, lâu nay việc mua sách vở, đồ dùng học tập được nhiều địa phương thực hiện theo hình thức nhà trường cung cấp danh mục cần mua sắm, phụ huynh đăng ký mua tại chính cơ sở giáo dục đó. Nhưng do nhiều nguyên nhân, việc trang bị sách giáo khoa vẫn xảy ra tình trạng “nhập nhèm” gây mất lòng tin của phụ huynh.

Điều này theo ông Tài, nguyên nhân xuất phát từ hai phía. Phía nhà trường chưa làm tốt công tác thông tin tới phụ huynh về loại sách bắt buộc phải trang bị và sách mua theo nhu cầu. Điều này dẫn tới việc mua sách không theo nhu cầu người học.

Về phía phụ huynh, khi nhà trường thông tin chưa đầy đủ, có thể phụ huynh chưa chủ động hỏi lại đâu là sách giáo khoa, đâu là tài liệu tham khảo để mua cho con em mình. Điều này dẫn tới việc hiểu không đúng và coi đó là yêu cầu bắt buộc.

“Do đó, phụ huynh cần chủ động theo dõi thông tin, giám sát, phản biện xã hội, mua sắm đúng sách cho con em mình. Trong trường hợp phát hiện trường làm trái với quy định, phụ huynh có quyền phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước để xử lý”, ông Tài nói.

Về câu chuyện của Trường Tiểu học An Phong (Quận 8, TP.HCM) giới thiệu danh mục sách giá 807.000 đồng tới phụ huynh, ông Tài cho biết, nếu nhà trường không nêu cụ thể đâu là sách giáo khoa, đâu là tài liệu tham khảo thì đó là làm chưa đúng quy định.

“Nhập nhèm bán sách tham khảo kèm với sách giáo khoa hoàn toàn là vi phạm của nhà trường. Ở đâu có sai phạm thì cơ quan chức năng ở địa phương đó sẽ phải xử lý”.

Cũng sau những lùm xùm về tình trạng mua sách đầu năm, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các Sở GD-ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra các trường trong việc mua sắm sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.

Thúy Nga

Theo Vietnamnet.vn