Từ trái thanh long, lại nói chuyện cách mạng nông nghiệp
Những ngày qua, thông tin về giá thanh long rớt xuống tới mức chỉ còn 1.000-2.000 đồng/ký, thậm chí đổ bỏ, dường như không còn đủ sức lay động tình cảm trong cộng đồng như những lần rớt giá của một số mặt hàng nông sản trước đây. Bởi nó đã được lặp đi lặp lại quá nhiều, trở nên quen thuộc, đến độ nhàm chán. Nhưng thân phận người nông dân thì vẫn vậy, vẫn đau đớn, xót xa.
Nông sản rớt giá, việc đổ lỗi dễ dàng nhất là đổ cho người nông dân không am hiểu quy luật cung - cầu của thị trường, không biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật, không biết liên kết với các nhà phân phối, vẫn sản xuất nhỏ lẻ, chỉ nhắm tới cái lợi trước mắt...
Đành rằng nông dân còn những mặt hạn chế mà mãi cho đến nay họ vẫn chưa thoát ra được. Nhưng câu hỏi là vai trò quản lý nhà nước ở đâu khi cứ sau mỗi vụ thu hoạch, người nông dân phải kêu gọi sự giải cứu từ cộng đồng xã hội? Hãy nhìn nhận một thực tế là hiện có rất nhiều ban ngành quản lý ở nhiều khâu, từ đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, phát triển nông nghiệp, xúc tiến thị trường... nhưng cho đến nay, những câu hỏi “trồng cây gì? nuôi con gì? khi nào? bán ở đâu?” dường như người nông dân phải tự mày mò tìm câu trả lời.
Có thể nói rằng công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, định hướng, dự báo sản xuất cho người nông dân còn nhiều thiếu sót. Một ví dụ: hiện có thông tin diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã lên tới gần 36.000 héc ta, tương đương với diện tích trồng thanh long của nước ta; mùa vụ, thời điểm thu hoạch cũng không chênh lệch nhiều so với chúng ta, có nghĩa là họ có thể thay thế nguồn cung từ Việt Nam. Vậy cơ quan chức năng làm gì với những thông tin này, từ đó có những khuyến cáo gì đến người trồng thanh long, hay có giải pháp gì để người dân chuyển hướng sản xuất?
Trở lại câu hỏi sản xuất cái gì, khi nào, như thế nào và bán cho ai, đây là những điều mà tự người nông dân không thể trả lời mà họ cần được định hướng, được hỗ trợ tổ chức sản xuất và bán hàng, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường như lâu nay.
Nhìn một cách vĩ mô hơn, tuy Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nông nghiệp, chế biến nông sản nhưng vì sao vẫn chưa lôi cuốn được nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp tham gia? Cho đến nay, 90% nông sản nước ta vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp so với sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều thương phẩm không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.
Nhiều người từng nghe muốn phát triển nông nghiệp thì cần liên kết bốn nhà: nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của quản lý nhà nước là đưa ra các chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản; quy hoạch các vùng nguyên liệu; hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ... Nhà nước phải tạo ra một hành lang pháp lý để điều phối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu dẫn đến dư thừa sản phẩm.
Với nhà khoa học là vai trò nghiên cứu giống, quy trình kỹ thuật nâng cao chất lượng nông sản. Những thách thức của nông nghiệp phải trở thành đơn đặt hàng cho nhà khoa học nghiên cứu tìm ra giải pháp khắc phục.
Doanh nghiệp là những cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ. Thông qua tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp có vai trò định hướng, đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất những sản phẩm đáp ứng đòi hỏi của thị trường, ráp nối họ với các đầu ra của sản phẩm. Ở đây lại cần đến vai trò của nhà nước để khuyến kích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi.
Đối với nhà nông, cần phải loại bỏ tư duy sản xuất tiểu nông, liên kết với nhau hợp thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để làm quen với sản xuất lớn, bài bản; biết tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng giá trị cho nông sản; quan tâm hơn tới thị trường để chủ động chọn thời điểm, mùa vụ phù hợp, tránh phụ thuộc một thị trường, tránh bị ép giá...
Đây mới là một cuộc cách mạng nông nghiệp, tuy đã được đề cập nhiều nhưng cho đến nay vẫn chưa được phối hợp thực hiện cho tốt, trong đó, vai trò cầm trịch thuộc về quản lý nhà nước.
Trung Kiên
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm