Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Trung Quốc siết chặt xuất khẩu công nghệ, đối phó căng thẳng thương mại leo thang

Thứ hai, 17/02/2025 15:24 (GMT+7)

Trong tình hình kinh tế thế giới chịu nhiều tác động đa chiều, để đối phó với nguy cơ chiến tranh thương mại, Trung Quốc tiến hành chính sách khóa chặt công nghệ tiên tiến, giữ thế thượng phong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ và châu Âu ngày càng leo thang, Trung Quốc đang có động thái siết chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ, đặc biệt là các kỹ thuật tiên tiến. Đây được xem là một phần trong chiến lược "giữ chân" công nghệ lõi, bảo vệ lợi thế cạnh tranh và vị thế trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu của Bắc Kinh.

Theo tờ Financial Times, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ trong những tháng gần đây. Điều này thể hiện qua việc siết chặt kiểm soát đối với việc xuất cảnh của kỹ sư và thiết bị công nghệ cao, cũng như ban hành các quy định kiểm soát xuất khẩu mới đối với các lĩnh vực then chốt như pin và khoáng sản.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và châu Âu liên tục gia tăng áp lực thương mại lên Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng đang có những tranh chấp thương mại gay gắt với Bắc Kinh, đặc biệt là về vấn đề xe điện. Những căng thẳng này đang thúc đẩy các công ty đa quốc gia, bao gồm cả các doanh nghiệp Trung Quốc, xem xét chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro.

Việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát công nghệ tiên tiến của Trung Quốc và nỗ lực giữ lại các công nghệ chủ chốt đã khiến Foxconn gặp khó khăn trong việc chuyển máy móc và quản lý kỹ thuật sang Ấn Độ. (Ảnh/VCG)

Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như không dễ dàng chấp nhận việc "chảy máu" công nghệ. Các nguồn tin trong ngành tiết lộ, chính phủ Trung Quốc đã gây khó khăn cho các công ty như Foxconn (nhà cung ứng lớn của Apple) trong việc chuyển thiết bị và nhân sự kỹ thuật sang các nước khác, đặc biệt là Ấn Độ. Điều này gây trở ngại không nhỏ cho nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple và nhiều tập đoàn công nghệ khác.

Một giám đốc công ty điện tử chia sẻ, họ cũng gặp phải tình trạng tương tự khi chuyển thiết bị từ Trung Quốc sang Ấn Độ, nhưng việc vận chuyển sang các nước Đông Nam Á thì không gặp vấn đề gì. Một quan chức Ấn Độ thậm chí còn cáo buộc Trung Quốc cố tình gây chậm trễ trong quá trình thông quan để cản trở dòng chảy công nghệ vào Ấn Độ, đồng thời gửi đi thông điệp "không khuyến khích" các công ty nước ngoài xây dựng cơ sở sản xuất tại Ấn Độ.

Giới phân tích nhận định, chiến lược mới của Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với các biện pháp hạn chế chuyển giao công nghệ mà phương Tây từng áp dụng, điều mà Bắc Kinh trước đây vẫn luôn chỉ trích là không công bằng. Tuy nhiên, lần này, Trung Quốc dường như đang đi theo con đường tương tự để bảo vệ lợi ích quốc gia. Các biện pháp kiểm soát này có vẻ tập trung chủ yếu vào Ấn Độ, trong khi các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Đông Nam Á và Trung Đông ít bị ảnh hưởng hơn.

Bên cạnh các biện pháp không chính thức, Trung Quốc cũng tăng cường ban hành các quy định kiểm soát xuất khẩu chính thức đối với các công nghệ quan trọng. Điển hình là quy định hạn chế xuất khẩu công nghệ khai thác lithium và sản xuất pin tiên tiến được Bộ Thương mại Trung Quốc công bố hồi tháng 1. Đây là những lĩnh vực mà Trung Quốc đang có vị thế dẫn đầu trên thế giới.

Theo bà Antonia Hmaidi, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS), Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống kiểm soát xuất khẩu công nghệ ngày càng mạnh mẽ và tinh vi. Mục tiêu chính của Bắc Kinh là duy trì vị thế trung tâm và vai trò không thể thay thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành công nghệ then chốt. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và thương mại ngày càng gay gắt, việc kiểm soát công nghệ được xem là một vũ khí lợi hại để Trung Quốc bảo vệ lợi ích và vị thế của mình trên trường quốc tế.

Theo Lê Nguyên (Tạp chí Lao động&Xã hội)
Nguồn: tapchilaodongxahoi.vn