Trung Quốc sẽ đánh thuế hàng Mỹ trị giá 34 tỷ USD nhưng không khơi mào trước

Thứ năm, 05/07/2018, 20:04 PM

Ngày 5/7/2018, đại diện của bộ Tài Chính Trung Quốc ra tuyên bố, Trung Quốc chắc chắn sẽ đánh thuế hàng Mỹ trị giá 34 tỷ USD để trả đũa, nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới này không phải là bên khơi mào trước.

Trung Quốc sẽ không khơi mào trước

Theo kế hoạch, ngày 6/7/2018, Mỹ sẽ chính thức áp thuế 25% với 34 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, gồm 818 loại sản phẩm từ xe hơi cho tới các thiết bị nhà thông minh. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ đáp trả Washington bằng cách áp thuế 25% đối với vài trăm mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, trong đó có nông phẩm (đậu nành và hạt bo bo), xe hơi và rượu whisky. Để thay thế một số mặt hàng của Mỹ, Trung Quốc bắt đầu khuyến khích nông dân ở các tỉnh miền Bắc trồng đậu nành thông qua nhiều chương trình hỗ trợ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tìm một số nguồn cung cấp khác như hạt bo bo từ Australia, trái anh đào từ Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan…

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra rất nóng bỏng

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra rất nóng bỏng

Cả hai đều khẳng định sẽ áp thuế chống lại nhau vào ngày 6/7 và theo múi giờ thế giới, Trung Quốc sớm hơn Mỹ từ 14 đến 15 giờ. Điều đó có nghĩa là, theo lý thuyết, Trung Quốc sẽ áp thuế sớm hơn Mỹ. Tuy nhiên, theo tờ Guardian, vì nhiều lý do khác nhau, Trung Quốc sẽ đợi Mỹ ra quyết định áp thuế trước rồi họ mới chính thức phản ứng.

Cho đến nay, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn cho là có dấu hiệu hạ nhiệt dù rằng, ngày 3/7 vừa qua, chính quyền của tổng thống Mỹ, Donald Trump, đã cho phép tập đoàn viễn thông ZTE hoạt động một phần tại Mỹ và trong vòng 1 tháng, cho đến ngày 1/8. Còn nhớ, vào giữa tháng 4 năm nay, Washington đã cấm các doanh nghiệp Mỹ bán thiết bị điện tử cho ZTE, do tập đoàn Trung Quốc đã vi phạm lệnh cấm vận nhắm vào Iran và Bắc Triều Tiên. Kết quả là ZTE phải ngừng một phần hoạt động.

Mỹ thiệt hại nặng hơn

Chuyên gia kinh tế Taimur Baig của ngân hàng DBS nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến hai quốc gia này giảm 0,25% GDP trong năm 2018 và giảm mức tăng trưởng 5% của mỗi nước trong năm 2019. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng từ 6 đến 7% còn Mỹ chỉ tăng trưởng từ 2 đến 3% thì rõ ràng trong cuộc chiến gay cấn này, Mỹ là nước bị thiệt hại nặng hơn.

Theo nhà phân tích kinh tế Nick Marro của Hong Kong thì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến các Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) lao đao bởi cuộc chiến này ảnh hưởng đến khả năng cung cấp hàng hóa thành phẩm của Trung Quốc với các nền kinh tế nêu trên. Nhưng các công ty của Mỹ, đặc biệt là những hãng đang kinh doanh ở Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng không kém.

Trường hợp điển hình là hãng xe ô tô điện Tesla với dòng sản phẩm Elon Musk. Để sản xuất tại Trung Quốc, hãng này phải nhập toàn bộ phụ tùng từ Mỹ và vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Tesla sẽ phải chịu 15% thuế nhập hàng từ Mỹ và 25% thuế khi bán ô tô ở Trung Quốc. Và để duy trì được hoạt động kinh doanh, đương nhiên, Tesla phải tăng giá bán sản phẩm. Điều này sẽ khiến sức cạnh tranh của Tesla sẽ kém đi rất nhiều so với các đối thủ khác.

Liệu có thể ngăn được cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung?

Không ai biết được khi nào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ kết thúc. Lịch sử đã chứng minh, bất kỳ một cuộc chiến thương mại nào xảy ra cũng sẽ khiến các quốc gia liên quan rơi vào tình trạng bất ổn kinh tế nặng nề. Còn nhớ, năm 1930, quốc hội Mỹ thông qua đạo luật Fordney–McCumber đánh thuế hơn 20.000 sản phẩm nhập khẩu của Mỹ đã dẫn đến sự khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới. Ảnh hưởng của đạo luật đó rất nặng nề khi nền thương mại thế giới giảm 66% từ năm 1929 đến năm 1934, trong khi hàng xuất khẩu và nhập khẩu của Hoa Kỳ đến và đi châu Âu cũng giảm khoảng hai phần ba.

Các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc mong muốn lãnh đạo hai bên sớm đàm phán để tìm ra giải pháp để giải quyết bất đồng

Các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc mong muốn lãnh đạo hai bên sớm đàm phán để tìm ra giải pháp để giải quyết bất đồng

Ông Victor Mills, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại quốc tế của Singapore nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ chỉ kết thúc hoặc hạ nhiệt khi đôi bên đạt đến điểm tới hạn, không thể leo thang hơn nữa, theo kiểu “ta không thể ăn xin nhà hàng xóm mà ăn xin chính bản thân mình”.

Lẽ dĩ nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc hy vọng thái độ giận dữ của cả Mỹ lẫn Trung Quốc sẽ dẫn tới những cuộc đàm phán song phương để tìm ra giải pháp cho những bất đồng. Nhưng đó không phải là câu chuyện một sớm một chiều và không dễ để Mỹ và Trung Quốc tìm được tiếng nói chung trong tương lai gần.

Thế Anh

Theo NTD

largeer