Tránh xa những “cạm bẫy” tội phạm tinh vi trên mạng xã hội
Kể từ khi ra đời từ năm 2003 đến nay, mạng xã hội đã tạo ra một giai đoạn “bùng nổ” cả về số lượng, mức độ và tốc độ lan truyền thông tin, đem đến nhiều tiện ích cho đời sống con người. Tuy nhiên, khi việc quản lý và kiểm soát thông tin trên môi trường “ảo” này không theo kịp tốc độ phát triển thì mạng xã hội lại chính là “con dao hai lưỡi” tác động nguy hại đến con người, thậmchí, là tạo điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm phát triển ngày một khó lường, phức tạp và manh động hơn.
Vào giữa tháng 6-2020, Trương Văn Hải, sinh năm 1994, trú tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã sử dụng mạng xã hội Facebook, đăng bài trên các hội nhóm, nhận bán và chuyển hàng từ Việt Nam sang Hàn Quốc với giá rẻ. Khi các nạn nhân tiến hành giao dịch, chuyển tiền đặt cọc cho Hải, đối tượng này nhanh chóng xóa tài khoản Facebook và ôm tiền biến mất. Tính đến thời điểm bị bắt, Hải đã lừa đảo chiếm đoạt trót lọt trên 2 tỷ đồng của nhiều nạn nhân trên cả nước.
Ngày 31-7-2020, Công an huyện Hoằng Hóa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Văn Hải để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại cơ quan công an, Trương Văn Hải, khai nhận: “Do thiếu tiền chơi game nên đã lên trên mạng, xem Youtube về cách lừa đảo rồi học theo. Tài khoản ngân hàng thì mua trên mạng xã hội với giá 2 triệu để giao dịch nhằm tránh sự bị phát hiện”.
Thực tế hiện nay cho thấy, ngoài việc các đối tượng sử dụng thẻ ngân hàng lừa đảo qua mạng xã hội, thì chính các mạng xã hội cũng đang trở thành sàn giao dịch online để các đối tượng sử dụng buôn bán chất cấm, vũ khí nóng, vật liệu nổ, hay công cụ hỗ trợ gây án…Theo nhận định của cơ quan Công an, tình hình tội phạm trên cả nước những năm gần đây đang diễn biến hết sức phức tạp, một phần nguyên nhân là có sự tham gia của mạng xã hội trong việc giúp sức, truyền tải thông tin giữa tội phạm và tội phạm, tội phạm và nạn nhân một cách tinh vi và khó có thể phát hiện sớm, và khi bị phát hiện thì khó truy vết, tìm ra thủ phạm.
Trao đổi về vấn đề này, Đại úy Lê Duy Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Hoằng Hóa cho biết: Đối với tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội thì các thông tin đối tượng đưa ra đều là giả, từ tên tuổi, địa chỉ, danh tính, do vậy gây nhiều khó khăn cho các cơ quan điều tra trong việc phát hiện và truy vết các đối tượng.
Xét về góc độ tâm lý, nhiều chuyên gia rất lo ngại về sự tác động của những luồng thông tin xấu, độc này đối với công chúng tiếp nhận, đặc biệt là giới trẻ. Họ cho rằng, việc tiếp cận quá dễ dàng đối với hình thức gây án, cách thức phạm tội, được cổ súy bởi những video clip lệch lạc trên mạng sẽ rất dễ khiến người dùng “lạc lối”, và từ hiểu biết về tội phạm sẽ bộc phát thành hành vi phạm tội.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Sở dĩ hiện nay trẻ vị thành niên, người trẻ phạm tội gia tăng về số lượng là bởi vì ở lứa tuổi này, các em đang hình thành mạnh mẽ nhân cách, có tính hiếu kỳ, tò mò khám phá thế giới. Vì vậy, khi tiếp cận với những thông tin xấu, các em rất dễ bị thu hút, ghi nhớ và khi gặp các điều kiện thuận lợi như bất hòa với bạn bè, mâu thuẫn gia đình… thì các em nhớ ngay đến các hành vi này và dễ bị thôi thúc thực hiện, dẫn đến những hành vi phạm tội tức thì.
Để giảm thiểu thông tin nguy hại trên không gian mạng, hiện nay, các nhà phát triển mạng xã hội như: Google hay Facebook đều đang nỗ lực xây dựng các bộ lọc tự động nhằm phát hiện, loại bỏ, xóa tài khoản đăng tải các loại thông tin này. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống này ít phát huy được tác dụng do thủ đoạn của các đối tượng ngày càng khó lường.
Xuất phát từ thực trạng tình hình và những vấn đề bức thiết đang đặt ra, chia sẻ tại hội nghị tập huấn kỹ năng nhận diện, phòng, chống thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xác định một số giải pháp liên quan đến truyền thông xã hội rất đáng lưu ý. Đó là cần xây dựng mô hình quản lý riêng đối với lĩnh vực thông tin trên mạng xã hội theo hướng “phản ứng nhanh, thống nhất dựa trên những đặc trưng, nguyên lý hoạt động riêng có của mạng xã hội” để có thể đáp ứng các yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây và chống, trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư, xây dựng hệ sinh thái nội dung số trong nước đủ mạnh để người dân trong nước có thêm nhiều sự lựa chọn sử dụng dịch vụ, phá thế độc quyền của nền tảng, dịch vụ của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Cùng với đó, quan trọng nhất vẫn là ý thức người dùng. Việc người dùng nâng cao sức “đề kháng”, trang bị hiểu biết về pháp luật, bộ lọc văn hóa tốt, ứng xử văn minh, lịch lãm trong tranh luận, phản biện, có năng lực về tin tức, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội là rất quan trọng. Có như vậy, việc khai thác, sử dụng mạng xã hội mới hiệu quả, thiết thực và lành mạnh, người dùng mới có thể bảo vệ những giá trị của bản thân, tránh xa những “cạm bẫy” tội phạm hết sức tinh vi trên mạng như hiện nay.
Lê Phượng
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội