Trái cây ngoại chiếm ưu thế

Thứ tư, 04/07/2018, 12:32 PM

Trong các siêu thị, nhiều loại trái cây nhập khẩu từ nước ngoài vẫn chiếm ưu thế nhiều hơn so với trái cây Việt với mức giá hấp dẫn thu hút người tiêu dùng.

Từ tháng 5/2018, trái cây Việt Nam vào mùa thu hoạch với nhiều loại đa dạng, giá thành rẻ. Song, trái cây có nguồn gốc trong nước vẫn không có nhiều chỗ đứng trên các gian hàng trưng bày tại những siêu thị lớn.

Trái cây ngoại được bày bán trên các gian hàng của siêu thị Co.op mart

Trái cây ngoại được bày bán trên các gian hàng của siêu thị Co.op mart

Theo ghi nhận của PV, tại một số siêu thị lớn như Big C, Coop.mart... các loại trái cây có nguồn gốc Việt Nam được bày bán khá ít, chỉ một số loại còn tươi mới, hầu hết đã cũ. Nhiều khách hàng không mấy mặn mà với trái cây Việt. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm trái cây Việt, các gian hàng trưng bày, bán các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài lại khá bắt mắt, chiếm một diện tích lớn. Đủ loại trái cây nhập khẩu được bày bán với giá thành hấp dẫn, kèm theo chương trình giảm giá thu hút khách hàng.

Người mua hàng lựa chọn trái cây ngoại nhiều hơn thay vì trái cây nội.

Người mua hàng lựa chọn trái cây ngoại nhiều hơn thay vì trái cây nội.

Cụ thể, táo đỏ New Zeland có giá 49.000 đồng/kg, Kiwi xanh loại 2 giá giảm từ 112.000 đồng xuống 99.500 đồng/kg, nho đen không hạt Mỹ giảm từ 235.000 đồng xuống còn 229.000 đồng/kg, táo xanh New Zeland còn 61.000 đồng/kg...

Các loại trái cây ngoại có giá thành khá đắt.

Các loại trái cây ngoại có giá thành khá đắt.

Mặc dù mức giá so với mặt bằng nhiều loại trái cây Việt cao hơn gấp 2, 3 lần nhưng trái cây ngoại vẫn được ưu chuộng bởi tâm lý “sính ngoại”. Chị An Tâm (Q.1) cho biết: “Mấy đứa nhỏ nhà mình thích ăn táo Mỹ xanh, hàng nước ngoài chắc tốt hơn trái cây mình nên mỗi dịp siêu thị giảm giá là mình lại mua mấy ký để ăn dần.”   

Dù là mua để sử dụng hay mua làm quà tặng thì trái cây ngoại luôn được lựa chọn đầu tiên, anh Quốc Thái (Q.3) chia sẻ: “Đi tặng quà người ta phải lựa trái cây nước ngoài như nho Mỹ, táo Mỹ thì mới đẹp, người ta thích hơn. Chứ trái cây Việt mình bề ngoài nó không được đẹp lắm nên tôi cũng ít lựa chọn”. 

Có thể thấy, mặc dù là nước xuất khẩu trái cây lớn, trong 5 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,62 tỷ USD, tăng 16,4%  so với cùng kỳ 2017. Mặt hàng quả ước đạt 1,27 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2017. Nhưng trái cây Việt tại thị trường trong nước hầu như vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu của khách hàng. Một loạt các trái cây liên tục rơi vào tình trạng chờ “giải cứu”, nhưng sức mua dành cho trái cây Việt vẫn còn yếu.

Trong tháng 5/2018, Việt Nam nhập khẩu 119 triệu USD các mặt hàng rau quả, đưa tổng giá trị nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2018 đạt 575 triệu USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ 2017. Trong đó mặt hàng quả ước đạt 419 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 4 tháng đầu năm 2018 tiếp tục là Thái Lan(chiếm 44,5% lượng nhập khẩu) và Trung Quốc (chiếm 19%).

Hoàng Uyên

Theo NTD

largeer