TPHCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10 sau 0 giờ ngày 29/6
"Sau khi hết thời hạn thực hiện giãn cách xã hội đợt 2 ngày 29/6, TPHCM vẫn áp dụng tiếp Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND TPHCM", ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thông tin tại buổi họp báo chiều 28/6.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho hay, Chỉ thị 10 được Chủ tịch Nguyễn Thành Phong ký ban ngày 19/6 quy định một số biện pháp phòng chống dịch cấp bách với những nội dung cụ thể, căn cứ trên hai Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng có một số giải pháp mạnh hơn Chỉ thị 16 hoặc mạnh hơn Chỉ thị 15.
Theo ông Đức, sau khi hết thời hạn thực hiện giãn cách xã hội đợt 2 ngày 29/6, TPHCM vẫn áp dụng Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND TPHCM. "Sau 0 giờ ngày 29/6, thành phố vẫn áp dụng phương án này", ông Đức thông tin.
Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND TPHCM với những giải pháp mạnh như dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát; không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.
Cũng tại buổi họp báo, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, TPHCM sẽ lập 22 tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ các địa phương làm tốt công tác phòng chống dịch, thực hiện Chỉ thị 10 và công tác lấy mẫu tầm soát COVID-19.
Theo ông Đức, hiện nay thành phố vẫn kiên định những phương án chống dịch mà Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 đã đề ra, phương châm vẫn là thần tốc truy vết, bao phủ trên điện rộng nhưng cách ly trong diện hẹp; tập trung để phù hợp với địa bàn rộng, dân đông. Thành phố áp dụng biện pháp linh hoạt để vừa đảm bảo đời sống, sinh hoạt, sản xuất vừa đảm bảo công tác chống dịch.
"Hiện nay, TPHCM đã áp dụng các hình thức khác nhau như giãn cách giống Chỉ thị 15, một số nơi áp dụng như Chỉ thị 16, một số nơi khác thì nghiêm ngặt hơn như là phong tỏa toàn diện để khoanh vùng, đánh giá nguy cơ" - ông Đức nói và cho biết song song với việc này là chiến lược tầm soát diện rộng và có trọng tâm, trọng điểm ở một số nơi; lấy mẫu 100% những nơi nguy cơ cao, lấy mẫu ngẫu nhiên những nơi kiểm soát; tầm soát tại nơi người dân đến khám tại các bệnh viện, sàng lọc, phân luồng từ các bệnh viện nhằm thực hiện sớm việc phát hiện ca bệnh để đưa đi chữa trị.
Theo ông Đức, thời gian tới, thành phố sẽ phân loại các địa phương theo ba nhóm mức độ gồm nguy cơ cao, rất cao và có nguy cơ, không phân loại nhóm nguy cơ thấp để tránh tâm lý chủ quan. Đồng thời, TPHCM cũng yêu cầu các địa phương căn cứ theo quy định để xây dựng biện pháp phòng chống dịch cho phù hợp. Bản thân các địa phương phải tự đánh giá để có biện pháp phù hợp với tình hình đang diễn ra.
Ngô Bình
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội