TP.HCM mạnh tay xử lý tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Thứ hai, 07/10/2019, 14:40 PM

Theo nguồn tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian qua, Cục Quản lý Thị trường TP.HCM xác định các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh và sức khỏe của người dân thành phố nên đã quyết liệt chỉ đạo phải kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Nhiều thương hiệu nổi tiếng thường bị giả mạo trên thị trường hiện nay. (Ảnh: TH).

Nhiều thương hiệu nổi tiếng thường bị giả mạo trên thị trường hiện nay. (Ảnh: TH).

Do đó, TP.HCM đã thành lập các Ban chỉ đạo 389 từ thành phố đến 24 quận/huyện để kịp thời chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm và khởi tố đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách kịp thời, có tính giáo dục, răn đe; góp phần vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Đặc biệt, tại tất cả các Ban chỉ đạo 389, các cơ quan có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm từ thành phố đến quận/huyện đều thường xuyên công bố địa chỉ liên lạc, email, số điện thoại của đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết; sẵn sàng tiếp nhận các nội dung tố cáo, phản ánh vi phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thường xuyên tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ và chất lượng cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ kiểm tra để xử lý kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm. Tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tham gia mua sắm qua ứng dụng thương mại điện tử tại các website thương mại điện tử uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, hàng hóa kinh doanh phải có đầy đủ thông tin theo quy định; kịp thời thông tin, tố giác những trường hợp mua bán hàng hóa qua mạng vi phạm các quy định của pháp luật.

Về phía các doanh nghiệp, thực tiễn cho thấy vai trò tham gia của doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong thực thi là rất quan trọng. Sự liên kết, phối hợp giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại đến các cơ quan thực thi để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.

Doanh nghiệp phải tích cực nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ vào việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (như sử dụng tem chống giả công nghệ cao, sử dụng mã hàng hóa để truy xuất nguồn gốc trên các thiết bị thông minh); phát triển sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; có kênh phân phối và chính sách hậu mãi chăm sóc khách hàng hiệu quả, nhánh chóng, hiện đại; đáp ứng được nhu cầu và tạo được niềm tin cho đại đa số người tiêu dùng đồng thời góp phần vào việc đẩy lùi nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường hiện nay.

Anh Trinh

Theo NTD