TP.HCM khuyến khích đầu tư xây dựng các trường đại học tầm cỡ quốc tế

Thứ tư, 24/01/2018, 14:00 PM

TP.HCM sẽ đặc biệt ưu tiên phát triển đào tạo đại học và sau đại học ở các ngành khoa học cơ bản, nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.

Vùng Thành phố Hồ Chí Minh gồm thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang với tổng diện tích 30.404 km2. Đây là vùng đô thị lớn, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đóng vai trò vị thế chiến lược trong khu vực.

Trong “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được công bố ngày 23.1, TP.HCM được xác định sẽ trở thành đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức, trung tâm kinh tế tổng hợp của vùng, ngang tầm với các đô thị lớn trong khu vực.

Empty

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Đề án điều chỉnh Quy hoạch vùng được phê duyệt là cơ sở pháp lý để TP.HCM tiếp tục nghiên cứu rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát triển bền vững, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội.”

Theo đề án, phát triển nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo là mục tiêu được đặc biệt coi trọng của TP.HCM.

Dự kiến đến năm 2030, diện tích đất dành cho các trường Đại học - Cao đẳng của vùng TP.HCM là 13.700 ha, trong đó riêng TP.HCM là 3.000 ha.

TP.HCM sẽ đặc biệt ưu tiên phát triển đào tạo đại học và sau đại học ở các ngành khoa học cơ bản, nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Ngoài gần 50 trường Đại học và hơn 40 trường Cao đẳng đang có, thành phố sẽ khuyến khích đầu tư xây dựng các trường đại học tầm cỡ quốc tế. 

Song song với đó, TP.HCM cùng với đô thị Bình Dương, Long Thành và thành phố Biên Hòa sẽ được phát triển thành cụm tri thức mới với các trung tâm nghiên cứu khoa học và dịch vụ công nghệ tầm quốc tế.

Empty

Về giao thông đường bộ, TP.HCM dự kiến sẽ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị cùng với 8 tuyến metro xuyên tâm, kết nối các trung tâm chính của thành phố và kết nối với các đô thị vệ tinh. Đồng thời, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu của TP.HCM và các địa phương khác trong vùng.

Tại hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch vùng TPHCM, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu của Thành phố trong việc kết nối đồng bộ, chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng, tạo điều kiện để TPHCM phát huy vai trò hạt nhân, động lực phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, sau khi công bố đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng, các địa phương trong vùng phải công khai quy hoạch cho người dân, đồng thời xây dựng các quy hoạch địa phương phù hợp chung với quy hoạch vùng, đặc biệt là quy hoạch về giao thông, điện nước, rác thải, kiểm soát quy mô dân số, phù hợp với định hướng phát triển của vùng.

“Những quy hoạch như quy hoạch thoát nước, quy hoạch rác thải, quy hoạch giao thông… của thành phố Hồ Chí Minh sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển khung hạ tầng của cả vùng TP.HCM”, bà Phan Thị Mỹ Linh, thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định.

 Phạm Sơn

Theo Khám Phá

largeer