TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… sẽ cùng mở cửa ra sao?
TP.HCM và đa số tỉnh, thành xung quanh có thể cơ bản kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9-2021 và cần đến các liên kết để có thể cùng mở cửa trở lại.
Mới đây, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và hơn 10.000 xã, phường trên cả nước đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Ban chỉ đạo cũng đang lấy ý kiến cho dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trương Minh Huy Vũ (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định: Bên cạnh việc TP.HCM cần lên các phương án và lộ trình để có thể mở cửa trở lại thì liên kết giữa TP với các tỉnh xung quanh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng rất quan trọng.
Khả năng mở cửa trở lại của vùng TP.HCM
. Phóng viên: Thưa ông, đến nay thì khả năng mở cửa trở lại của TP.HCM có thể được hình dung như thế nào?
+ TS Trương Minh Huy Vũ: Dựa trên đánh giá các chỉ số về vaccine, dịch tễ và hệ thống điều trị của TP cũng như thí điểm tại một số địa phương (như quận 7, huyện Cần Giờ), tôi cho rằng TP dù mở ở các mức độ nào thì cũng cần thiết phân năm cụm địa lý để kiểm soát: (i) Huyện Cần Giờ; (ii) Khu Nam gồm quận 7 và huyện Nhà Bè; (iii) Khu Tây Bắc gồm huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn; (iv) Khu Đông tại TP Thủ Đức thì chọn ra một số khu vực đủ điều kiện, ví dụ như khu Thủ Thiêm, khu vực xung quanh Khu công nghệ cao; (v) Khu trung tâm thì có ba quận là quận 5, quận 11 và quận Phú Nhuận có thể cân nhắc đạt cấp 3.
Với các khu công nghiệp, chế xuất, Khu công nghệ cao: Nếu nằm trong quận, huyện ở cấp độ 3 thì có thể được hoạt động mà không cần “ba tại chỗ”. Nếu nằm ở khu vực chưa đạt cấp độ 3 thì xem xét phương án cần đảm bảo ít nhất 80% người lao động tại cơ sở tiêm đủ liều vaccine. Lộ trình này nhắm tới mục tiêu vừa an toàn y tế vừa phục hồi sản xuất. TP cũng cần đẩy mạnh tiêm vaccine cho người từ 50 tuổi trở lên ở các quận, huyện sắp đạt chỉ tiêu ở cấp độ 3. Song song đó, rà soát hệ thống chữa trị cấp cơ sở để sẵn sàng cho trường hợp sau mở cửa, số ca nhiễm tăng (nhanh) trở lại.
Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện lưu thông qua chốt tại chân cầu Vĩnh Bình, TP Thủ Đức, TP.HCM đoạn giáp ranh tỉnh Bình Dương. Ảnh: HOÀNG GIANG
. TP.HCM mở cửa trở lại thì cũng cần đến sự phối hợp và thống nhất với các tỉnh xung quanh. Ông nhận xét thế nào về việc này?
+ Về chuỗi liên kết vùng, TP có thể mở cửa lưu thông hàng hóa với ba tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương vì tỉ lệ phủ vaccine mũi 1 đã đảm bảo. Riêng với Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu thì cần cân nhắc các quy định đi kèm, bởi tỉ lệ tiêm vaccine (ở nhóm người từ 50 tuổi trở lên) còn rất thấp. Nếu để các tỉnh này bùng dịch thì hệ thống y tế của họ có thể sẽ quá tải và khả năng tử vong cao.
Dựa vào số liệu thống kê tình hình dịch bệnh và năng lực hệ thống y tế, tình hình tiêm chủng vaccine thì có thể thấy rằng TP.HCM và đa số tỉnh, thành xung quanh có thể cơ bản kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9-2021. Các địa phương này phải liên kết để kiểm soát dịch hiệu quả và bền vững. Đó là “bàn đạp” để TP mở rộng quy mô liên kết vùng sang khu vực ĐBSCL, khu vực Đông Nam bộ.
Liên kết phòng chống dịch bệnh
. Có thể hình dung đâu là những nội dung trọng tâm trong liên kết để phòng chống dịch bệnh hiệu quả và bền vững?
+ TP và các tỉnh, thành xung quanh phải hình thành các liên kết về y tế và dịch tễ. Ở khía cạnh này thì trọng tâm quan trọng nhất là liên kết vaccine và năng lực chữa trị. Vaccine dành cho người từ 50 tuổi trở lên (và đặc biệt là người từ 65 tuổi trở lên), có bệnh lý nền sẽ là trọng tâm cực kỳ quan trọng. Các tỉnh, thành có thể vay mượn, hỗ trợ nhau về vaccine và ưu tiên cho nhóm này để đảm bảo lượng người bị nhiễm, trở nặng, tử vong ở mức thấp. Khi nguồn cung tốt hơn sẽ ưu tiên cho người lao động (i) ở vùng ranh giới các địa phương; (ii) tham gia vào các chuỗi cung ứng nguyên liệu, hàng hóa; (iii) tham gia vào các ngành, nghề dịch vụ, du lịch…
Việc phối hợp để cải thiện năng lực điều trị cũng rất quan trọng. Khi mở cửa thì số ca F0 có thể tăng. Các chuyên gia y tế cho biết đa số F0 là không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế. Tuy nhiên, các bệnh viện tầng 2 và tầng 3 cũng rất quan trọng, quyết định tỉ lệ trở nặng và tử vong. Vì thế, các địa phương có thể liên kết với nhau để: (i) chia sẻ mô hình điều trị; (ii) điều phối giường bệnh ở tầng 2, 3 để tránh tình trạng nơi thì thừa giường bệnh, y bác sĩ, máy thở ôxy, còn nơi thì quá tải.
Liên kết phục hồi kinh tế
. Còn các trọng tâm trong liên kết phục hồi kinh tế thì sao, thưa ông?
+ Ở khía cạnh phục hồi kinh tế, trước hết các địa phương cần tính đến chuyện phục hồi nguồn nhân lực lao động. Tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) hôm 26-9, một số đơn vị đã chỉ ra khó khăn: Sau thời gian giãn cách kéo dài, rất nhiều người lao động về quê tránh dịch đang gặp khó trong việc trở lại. Có trường hợp DN tuyển nhân sự mới nhưng ở địa phương khác nên không thể đến nhận việc. TP.HCM và các tỉnh xung quanh đều là những địa phương thu hút lao động nhập cư và giữa các địa phương này cũng có sự đan xen lao động. Vì vậy phải tính sớm cơ chế đi lại, ăn ở, sinh hoạt, phòng chống dịch cho người lao động thuận tiện và an tâm quay lại sản xuất.
Trọng tâm thứ hai trong liên kết vùng là cơ chế luồng xanh lưu thông hàng hóa, nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm. Ở vùng TP.HCM, sự phân công trong chuỗi cung ứng là rất rõ. Có tỉnh thì chuyên cung cấp nguyên liệu, có nơi thì chuyên gia công, có địa phương thì chuyên cung cấp dịch vụ logistics, tài chính, phân phối sản phẩm, xuất nhập khẩu… Nếu không có cơ chế luồng xanh thì chỉ cần một địa phương phát sinh hay gia tăng số ca F0, cả vùng sẽ lúng túng, chuỗi cung ứng có thể đứt gãy.
Cơ sở dữ liệu là chìa khóa của liên kết vùng
. Để vận hành liên kết vùng một cách khoa học và có cơ sở rõ ràng, đâu là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt?
+ Chúng ta không thể ra quyết sách mà không có dữ liệu rõ ràng. Các địa phương cần dữ liệu dịch tễ, vaccine, xét nghiệm, hoạt động kinh tế làm cơ sở để thảo luận và đặt ra các mục tiêu, yêu cầu của việc liên kết vùng. Vì thế, các địa phương phải ngồi lại để thống nhất các tiêu chí đánh giá và xác định rõ các chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) trong phòng chống dịch và hoạt động sản xuất. Tôi lấy ví dụ, các dữ liệu về xét nghiệm, tiêm vaccine của người lao động; dữ liệu các nhóm DN tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa liên tỉnh… cần được chia sẻ giữa các địa phương để đảm bảo hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa được thông suốt.
Hay như dữ liệu về ca nhiễm, trở nặng, tử vong, nguồn lực quản lý dịch tễ, chữa trị (y bác sĩ, ôxy, bộ kit xét nghiệm…) nếu được chia sẻ, cập nhật thì việc hỗ trợ, bọc lót giữa các địa phương sẽ kịp thời. Hoặc nếu các địa phương chia sẻ dữ liệu quản lý dịch bệnh (tỉ lệ phát sinh F0, xuất hiện biến chủng mới…) thì khi một nơi có dấu hiệu bùng dịch thì nơi khác có phương án phản ứng.
. Yêu cầu về hệ thống dữ liệu là như thế nào?
+ Tôi nghĩ dữ liệu phải mở, kịp thời và minh bạch thì việc liên kết chống dịch và phục hồi kinh tế mới hiệu quả. Điều đó có nghĩa không chỉ chính quyền các địa phương nắm dữ liệu mà cần thiết lập một nền tảng dữ liệu mở để các DN, cá nhân cũng có thể tiếp cận dữ liệu để họ có giải pháp thích ứng. Ví dụ, khi tiếp cận dữ liệu thì bản thân các DN có thể sáng tạo ra các ứng dụng để phòng chống dịch, áp dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Một tín hiệu đáng mừng là thời gian qua, có thể thấy TP.HCM đã khởi động nhiều kế hoạch, dự án liên quan đến việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung, chương trình chuyển đổi số, kinh tế số… Tất nhiên, đây là một thách thức lớn và kết quả thì vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu và kỳ vọng. Tuy nhiên, TP cần phải kiên định và xem đại dịch lần này là một cơ hội để hướng tới một hệ thống dữ liệu mở, có tính hiệu quả cao phục vụ lại quá trình mở cửa và phục hồi kinh tế.
. Xin cám ơn ông.
Đỗ Thiện
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội