TP.HCM: Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý VPHC về kinh doanh hàng giả, hàng buôn lậu hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Thứ hai, 30/09/2024, 17:07 PM

Đội QLTT số 4, Cục QLTT TP.HCM phát hiện hàng trăm đơn vị sản phẩm quần áo, túi xách, ví, trang sức si mạ, không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nước ngoài đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Empty

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm về kinh doanh buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, Đội QLTT số 4 tiến hành kiểm tra một số điểm kinh doanh trên địa bàn và tạm giữ hàng trăm sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Nằm ở vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, Quận 1 là địa bàn trọng điểm, nơi tập trung các tuyến phố du lịch, trung tâm thương mại, điểm trung chuyển, nơi chứa trữ, bày bán, kinh doanh các loại mặt hàng đa dạng về chủng loại, giá cả…

Được sự quan tâm và chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng Cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh, Đội Quản lý thị trường số 4 thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng nắm tình hình địa bàn, xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22 tháng 3 năm 2021 của Tổng Cục Quản lý thị trường về việc ban hành Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Kế hoạch 888), từ đầu năm, Đội Quản lý thị trường số 4 tích cực tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát, phân loại, lập danh sách các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh để có kế hoạch theo dõi, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển, chứa trữ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn mác và xuất xứ Việt Nam, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại các địa bàn trọng điểm (bao gồm các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mạị như Saigon Square, Bến Thành, Taka Plaza, Chợ Nga-Quận 1,…) và các tuyến đường nổi cộm như Nguyễn Trãi, Lưu Văn Lang, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Cách Mạng Tháng Tám,…

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 4 đã kiểm tra 249 vụ trong đó vi phạm chủ yếu về các hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đã xử phạt với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, hàng hóa vi phạm trị giá hơn 12,6 tỷ đồng.

Empty

Qua nhiều ngày trinh sát, bám điểm, nắm tình hình địa bàn, theo dõi phương thức hoạt động của các đối tượng. Vừa qua, ngày 24 tháng 9 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 4 đã đồng loạt tiến hành triển khai lực lượng kiểm tra một số điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Saigon Square.

Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 4 phát hiện hàng trăm đơn vị sản phẩm quần áo, túi xách, ví, trang sức si mạ, không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nước ngoài đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.

Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 4 sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, tại các ổ nhóm, tụ điểm; đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm soát tình hình, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng./.

Theo Bích Tuyền (Cục QLTT TP.HCM)
Từ khóa:

TP.HCM

hàng giả