TP.HCM: Chợ tự phát tràn ngập các con đường

Thứ năm, 31/05/2018, 09:32 AM

Những khu chợ tự phát nhếch nhác tồn tại nhiều năm nay tại TP.HCM gây ra rất nhiều bức xúc cho người dân sinh sống trong khu vực, làm mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ùn tắc giao thông… kéo theo đó là nhiều hệ lụy xã hội khác.

Chợ tự phát trên toàn thành phố

Hầu hết 24 quận, huyện của TP.HCM chợ tự phát được hình thành tại các điểm đông dân cư, các vị trí giao thông thuận lợi, xung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hoạt động chủ yếu vào giờ tan tầm, bày bán đầy đủ các loại mặt hàng, từ thực phẩm tươi sống, hoa quả, đồ gia dụng, cho đến thời trang áo quần.

Ghi nhận trước cổng Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức) vào giờ tan ca hàng trăm công nhân cùng ùa ra đường tranh thủ ghé mua “mớ rau con cá” biến nơi đây trở thành khu chợ nhộn nhịp. Khu vực này thường xuyên kẹt xe, giờ cao điểm mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, nhưng người mua kẻ bán vô tư buôn bán ven đường khiến cho tình hình giao thông càng thêm hỗn loạn.

Tại quận Gò Vấp chợ tự phát được hình thành chủ yếu ở các hẽm nhỏ, tập trung đông dân cư nhưng không có chợ truyền thống. Con hẽm 113 Lê Đức Thọ (phường 17) bị người dân chiếm hết lòng đường, các ngã ba làm nơi buôn bán. Tại đường Dương Quảng Hàm (phường 5) người bán dựng tạm mái che, sạp hàng trên vỉa hè, trước cửa nhà, người mua dựng xe giữa đường, con đường này vốn chật hẹp, đến giờ tan ca tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng.

Người dân chiếm hết mặt đường Phạm Huy Thông (quận Gò Vấp) làm nơi buôn bán

Người dân chiếm hết mặt đường Phạm Huy Thông (quận Gò Vấp) làm nơi buôn bán

Trên địa bàn quận Bình Tân, gần công ty TNHH Pou Yuen (ven quốc lộ 1A, khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM), xuất hiện một khu chợ chiều hoạt động từ 15h đến 19h hàng ngày, hàng hoá là thực phẩm tươi sống và hoa quả, ngoài ra còn có một số mặt hàng gia dụng, áo quần. Sau khi chợ tan, rác thải ngỗn ngang ảnh hưởng môi trường xung quanh. Còn tại phường Bình Hưng Hòa A, dòng kênh ngày càng bị ô nhiễm nặng do những người buôn bán xả thẳng rác thải xuống dòng kênh.

Trên đường Nguyễn Xí (phường 13, quận Bình Thạnh) chợ tự phát chiếm trọn con đường làm nơi buôn bán. Đường Bùi Hữu Nghĩa, Vũ Tùng (quận Bình Thạnh) chợ tự phát mở rộng ăn theo ngôi chợ truyền thống Bà Chiểu, khiến cho phương tiện lưu thông qua đây khó khăn, gây mất cảnh quan đô thị.

Người mua hàng dựng xe dưới lòng đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) để vào mua hàng

Người mua hàng dựng xe dưới lòng đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) để vào mua hàng

…Người dân nói gì?

Việc chợ tự phát không có trong “quy hoạch” của thành phố thế nhưng nghiễm nhiên tồn tại nhiều năm đã gây nên rất nhiều bức xúc cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người dân sinh sống trong khu vực đó. Đó là còn chưa kể đến việc chợ tự phát được xem là nơi quy tụ, tập kết và phát tán thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc bởi thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng.

Đường Vũ Tùng (quận Bình Thạnh) trở thành nơi buôn bán sầm uất

Đường Vũ Tùng (quận Bình Thạnh) trở thành nơi buôn bán sầm uất

Chị Nguyễn Thị D (người dân sống trong hẽm 113 Lê Đức Thọ) chia sẽ: “Làm về thuận đường ghé mua hàng trong khu chợ này (chợ Căn cứ 26, phường 17, quận Gò Vấp), tiện lợi mà giá cả cũng dễ chịu hơn trong siêu thị. Nhưng cũng có cái khổ là sáng sớm dắt xe đi làm trước cửa nhà mình muốn đi ra cũng phải xin phép người bán. Làm việc căng thẳng ở công ty muốn về nhà nghĩ ngơi cũng chả được, người mua kẻ bán ồn ào náo nhiệt.Tiện thì cũng có tiện mà khổ cũng trăm đường.”

Thế nhưng khi hỏi chị D về nguồn gốc cũng những mặt hàng chị mua xuất xứ từ đâu thì chị cho biết “thấy hàng tươi ngon thì mua, nhiều lúc có hỏi người bán lấy hàng từ đâu thì họ nói lấy từ các cơ sở uy tín, sạch sẽ ở Củ Chi, Hóc Môn,.., người ta nói sao mình tin vậy chứ biết làm sao được”.

“Đi một đoạn đường có khoảng 300m mà 15 phút vẫn chưa thoát ra được. Đây là con đường chứ có phải cái chợ đâu mà giành hết phần đường như vậy”. – Anh Võ Văn T thường xuyên đi làm qua đoạn đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) nói trong tức giận.

Trước thực trạng chợ tự phát hoạt động bát nháo gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, Chính phủ và các ngành đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp kiểm soát, lập lại trật tự, trong đó có kiến nghị xóa toàn bộ “điểm nóng” về chợ tự phát.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong quý I năm 2018, cả nước đã xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 502 người nhập viện (3 người tử vong). Phần lớn các vụ ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật gây ra, chiếm tới hơn 40%. Tiếp đó là các độc tố sinh học, hóa học và không xác định được nguyên nhân

Minh Lệ

Theo NTD

largeer