TP.HCM biến nhiều chợ thành nơi tham quan, mua sắm du lịch

Thứ bảy, 23/06/2018, 16:06 PM

Đến năm 2025 - 2030 hình thành được tối thiểu năm tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.

Ngày 22-6, Sở Công Thương TP.HCM phối hợp cùng các sở, ngành và Viện nghiên cứu Phát triển công bố Quy hoạch phát triển ngành thương mại TP.HCM đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.

Không xây chợ lẻ mới ở nội thành cũ

Theo đó, quy hoạch phát triển ngành thương mại định hướng phát triển bốn lĩnh vực cốt lõi, có nhiều lợi thế cạnh tranh để phát triển bền vững và sớm đưa thành phố trở thành trung tâm thương mại trọng yếu ở khu vực Đông Nam Á. Gồm lĩnh vực xuất khẩu, lĩnh vực hậu cần (logistics), lĩnh vực hội chợ triển lãm thương mại, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ. 

Riêng với quy hoạch mạng lưới chợ, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết dựa theo quy hoạch về xây dựng, thành phố chia ra làm ba khu là nội thành cũ, nội thành phát triển, ngoại thành. Quy hoạch chợ lẻ trên tinh thần là sửa chữa nâng cấp sắp xếp kinh doanh lại cho hợp lí. Tinh thần quy hoạch đối với phân phối hiện đại chỉ phát triển ở những khu đô thị mới.

Cụ thể, đối với chợ bán lẻ tổng hợp không tăng thêm số lượng chợ ở khu vực nội thành cũgồm 13 quận là 1,3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò vấp, Tân Bình và Tân Phú. Việc xây dựng chợ mới nếu có chỉ để phục vụ công tác giải tỏa, di dời các chợ hiện hữu.

Hạn chế xây dựng chợ mới ở khu vực nội thành phát triển gồm sáu quận: 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân. Việc xây dựng chợ mới chỉ thực hiện khi có nhu cầu thật sự của nhân dân. Tập trung bảo tồn những chợ có giá trị lịch sử, văn hóa như chợ Bến Thành, Bình Tây, Bà Chiểu, An Đông... để đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán của người dân, kết hợp phát triển du lịch.

Riêng các chợ bán buôn nông sản thực phẩm gồm ba chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn thì từng bước nâng cấp thành các trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm và địa điểm tham quan, mua sắm du lịch của khu vực phía Nam.

Đối với chợ bán buôn các mặt hàng khác như chợ vải Soái Kình Lâm, Bình Tây, Tân Bình nâng cấp nhằm củng cố vai trò đầu mối bán buôn và địa điểm tham quan, mua sắm du lịch đối với thành phố và các tỉnh phía Nam.

Ở kênh hiện đại thì siêu thị ở khu vực nội thành cũ sẽ giữ nguyên hoặc nâng cấp các siêu thị hiện hữu; ưu tiên phát triển siêu thị vừa và nhỏ để tránh ùn tắc giao thông. Khuyến khích chuyển đổi công năng các chợ cũ, hoạt động không hiệu quả thành siêu thị.

Trung tâm thương mại: ở khu vực nội thành cũ sẽ phát triển các TTTM mang tầm khu vực Đông Nam Á. Ở khu vực nội thành phát triển sẽ phát triển các TTTM có quy mô phù hợp với khu dân cư.

Khuyến khích phát triển TTTM  tại các khu đô thị mới như Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa; Khu đô thị Tây Bắc; Khu đô thị cảng Hiệp Phước; Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ; Khu thương mại ngầm. Khu vực kết nối các tuyến giao thông, khu vực cửa ngõ thành phố và khu vực nhà ga các tuyên đường sắt đô thị metro 3.1.4.

Đối với chợ bán lẻ tổng hợp ở khu vực ngoại thành gồm các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ sẽ sửa chữa, nâng cấp các chợ hiện hữu.

Người tiêu dùng đang mua sắm ở siêu thị Co.opmart

Người tiêu dùng đang mua sắm ở siêu thị Co.opmart

Cạnh tranh gay gắt bán lẻ, có thể bị thâu tóm

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết qua thống kê cho thấy tổng mức bán buôn bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thành phố từ 2006-2016 tăng trưởng đều… Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế bắt buộc phải quy hoạch lại.

Chẳng hạn kênh truyền thống thì cơ sở vật chất xuống cấp, dù có sửa chữa, nâng cấp nhưng về tổng thể so với siêu thị, TTTM thì chợ vẫn còn nhiều hạn chế, pháp lí quầy sạp vẫn chưa rõ ràng…

Kênh hiện đại phát triển nhanh và cạnh tranh cực kỳ gay gắt. Các doanh nghiệp (DN) Việt như Co.opmart, Satra… cảm nhận rõ sức ép cạnh tranh nhất. Do đó, có nguy cơ DN Việt Nam sẽ bị thâu tóm.

Mặt khác, Sở Công Thương cũng lạc quan chỉ ra  nếu nhìn sang các nước lân cận khu vực Đông Nam Á, có đặc điểm là hầu hết các nước đều trải qua giai đoạn giống Việt Nam. Nghĩa là khi nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thì sẽ cạnh tranh gay gắt nhưng luôn luôn DN bản địa vẫn chiếm thị phần chi phối nhờ sự am hiểu thị trường, về thói quen NTD rất tốt… Đây là điểm lâu dài mà các DN bán lẻ Việt Nam có thể tận dụng để cùng cạnh tranh phát triển.

“Đặc biệt, chúng tôi hiểu rõ áp lực cạnh tranh gay gắt giữa DN Việt và DN nước ngoài, một trong những công cụ mà chúng tôi đang cố gắng làm đúng lại theo đúng thông lệ quốc tế là “kiểm tra nhu cầu kinh tế –ENT”. Sắp tới chúng ta có công cụ để đánh giá đúng kiểm tra về ENT, đây là công cụ hợp pháp mà các nước cho phép chúng ta thực hiện bảo vệ hệ thống phân phối nội địa”, Sở Công Thương TP.HCM nhấn mạnh.

Trong quy hoạch đưa ra chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020 dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 8,55%-11,53%, giai đoạn 2021-2015 từ 10,89%-14,02%...

Giải pháp đối với kênh truyền thống nâng cấp sửa chữa 146/240 chợ. Rà soát hoàn thiện căn cứ pháp lý quầy sạp…Đối với kênh hiện đại khuyến khích phát triển, tạo điều kiện để DN Việt Nam phát triển nhanh chóng. Thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi giúp các DN bán lẻ cạnh tranh lành mạnh, có điều kiện phát triển nhanh chóng để đến năm 2025 - 2030 hình thành được tối thiểu năm tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.

Cửa hàng bán lẻ, khuyến khích DN đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại, kinh doanh tổng hợp… phục vụ nhu cầu của người dân tại vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất… để thay thế, đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết quy hoạch này có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế của thành phố. Đây là cơ sở pháp lí quan trọng cho công tác triển khai quy hoạch ngành thương mại của Sở Công Thương từ nay đến năm 2030. Trong đó xác định những nhiệm vụ trọng tâm mà Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành khác thực hiện trong thời gian tới.  

 TÚ UYÊN 

theo plo