TP.HCM báo cáo Thủ tướng về khiếu nại, tố cáo việc thu hồi đất ở Thủ Thiêm
Uỷ ban Nhân dân TP.HCM vừa có báo cáo Thủ tướng về 12 vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn thành phố. Theo đó, có 4/12 vụ việc nổi cộm, điển hình là dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và dự án Khu công nghệ cao (quận 9)
Trong đó, đối với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT), UBND TP.HCM nhìn nhận đây là vụ việc phức tạp, kéo dài từ năm 2006 đến nay.
Cụ thể, các hộ dân khiếu nại chủ yếu tập trung tại các khu vực giáp ranh quy hoạch, khu vực khu phố 1, phường Bình An (khoảng 4,3 ha) và khu vực tiếp giáp các phường Bình An, Bình Khánh (khu vực giữa 2 ranh giới theo Quyết định 255/QĐ-UB-QLĐT và Quvết định 13585/KTST-QH của Kiến trúc sư trưởng TP).
Nội dung khiếu nại chủ yếu là xác định ranh quy hoạch; thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cưỡng chế.
Theo báo cáo, từ năm 2009 đến năm 2017, thành phố và trung ương đã tiếp 12 cuộc.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kết quả giải quyết, UBND thành phố cho biết chủ tịch UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch 176 (ngày 28.2.2018), về việc chỉ đạo các đơn vị giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số hộ dân tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thực hiện chỉ đạo này, ngày 12.3.2018, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã báo cáo UBND TP, xác định phần đất 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An thuộc ranh quy hoạch KĐTMTT. Tuy nhiên, sở chưa đề xuất được biện pháp giải quyết do các thành viên Tổ Công tác liên ngành chưa có ý kiến phúc đáp.
Còn Giám đốc Sở Xây dựng trong tháng 2.2018 cũng báo cáo UBND TP về kết quả rà soát, kiểm tra cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục và hiện trạng đối với các dự án trên phần diện tích 160 ha đất tái định cư tại các phường Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái, An Phú và một phần phường Bình Khánh.
Hiện nay, UBND TP đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Vấn đề khiếu nại, tố cáo liên quan đến đền bù giải toả, cưỡng chế giải phóng mặt bằng KĐTMTT của hàng chục hộ dân diễn dai dẳng trong nhiều năm qua. Trong cuộc tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu Quốc hội TP.HCm ngày 9.5 vừa qua, diễn ra trong hớn 6 giờ đồng hồ, nội dung đối thoại vẫn là những bức xúc, kiến nghị liên quan đến d8a6t1 đai ở Thủ Thiêm.
Mới đây nhất, ngày 15.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, UBND TPHCM về việc xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân về dự án Khu đô thị mới Thủ thiêm.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng QĐ 367/TTg năm 1996. Dự án này đã điều chỉnh quy hoạch. Chính phủ nhất quán với chủ trương đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định, theo đề nghị của UBND TP.HCM, là mong muốn xây dựng một khu đô thị hiện đại, là một công trình trọng điểm về kinh tế, xã hội của TPHCM. Dự án này có diện tích đất thu hồi rất lớn liên quan đến hàng ngàn hộ dân.
Với nỗ lực của TP.HCM và sự ủng hộ tích cực của người dân, công tác giải phóng mặt bằng đến nay đã đạt 99%.
"Chúng ta đánh giá cao những người dân vì mục tiêu phát triển của Thành phố, đã di dời, bàn giao nhà đất để triển khai dự án. Cần nhận thức việc này để thấy rõ trách nhiệm phải lo cho cuộc sống của người dân, không để người dân vì dành đất cho dự án phục vụ sự phát triển của Thành phố mà phải chịu cuộc sống khó khăn", Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan có các sai sót về quản lý đất đai, quy hoạch, lưu trữ hồ sơ, giải quyết khiếu nại… dẫn đến người dân khiếu kiện bức xúc, kéo dài. Trách nhiệm thuộc về các bộ, ngành liên quan, trước hết là chính quyền các cấp của TP.HCM.
Thủ tướng nêu rõ, việc giải quyết phải đúng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Phải nhìn thẳng sự thật, việc gì đúng thì tiếp tục giải thích, thuyết phục; việc gì sai thì cương quyết sửa chữa, tất cả vì mục tiêu phát triển của TP.HCM, vì cuộc sống của người dân.
Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ tiến hành rà soát, làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15.7.2018.
* Trong diễn tiến có liên quan, ngày 22.5.2018, nữ tu Nguyễn Thị Ngoan - Tổng phụ trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, đại diện cho 610 nữ tu, đã có kiến nghị gửi Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, về vấn đề liên quan đến các cơ sở của Hội dòng (tại phường Thủ Thiêm, quận 2).
Kiến nghị viết: "Từ đầu tháng 5.2018 đến nay, chúng tôi đã đọc được một vài thông tin:
- "Lãnh đạo UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời những cơ sở tôn giáo trong khu đô thị này (Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm) cũng như thu hồi đất của Trường tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến đường ven sông và công viên bờ sông theo đúng tiến độ." (Mai Hoa, Đấu giá 9 lô đất ở trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tuổi Trẻ Online ngày 1.5.2018)
- "Đối với các cơ sở tôn giáo còn lại, các ngành, các cấp thành phố và quận 2 tiếp tục vận động, thuyết phục bàn giao mặt bằng để phục vụ dự án KĐT mới Thủ Thiêm." (Kiều Phong, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm cơ sở tôn giáo ở Thủ Thiêm, Sài Gòn Giả Phóng, 13.5.2018).
Những thông tin trên khiến chị em chúng tôi vô cùng bức xúc. Một lần nữa chúng tôi viết đơn kiến nghị này để khẳng định lập trường của chúng tôi:
1. Chúng tôi không đồng ý di dời, Nhà dòng luôn ổn định tại chỗ, vì đây là mảnh đất thiêng liêng, nơi mà các nữ tu tiên khởi đã cắm cọc, đặt mốc để xây dựng nên hội dòng với tên gọi: "Mến Thánh Giá Thủ Thiêm".
2. Yêu cầu Nhà nước bồi thường thoả đáng đối với 03 trường học của Hội dòng, đã giao cho Nhà nước sử dụng vào mục đích giáo dục từ năm 1975 (tổng diện tích xấp xỉ 4.000 m2).
Trong niềm tin của người Kitô giáo, Hội dòng chúng tôi hiện diện và phát triển trên mảnh đất Thủ thiêm này từ năm 1840."
Nữ tu Nguyễn Thị Ngoan kiến nghị: "Dựa vào các văn bản pháp lý của Nhà nước trong dự án xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phê duyệt trước năm 2005), ý kiến của Giáo hội và các chuyên gia về văn hoá, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, chúng tôi nhận thấy việc giữ lại 5ha đất cơ sở tôn giáo của chúng tôi chỉ là con số rất nhỏ, so với 657 ha xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đây là một điều rất khả thi và thật cần thiết".
Song Ngô
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội