Tín dụng tiêu dùng tăng mạnh, đa số tiền dội vào nhà ở
Năm 2017, tín dụng tiêu dùng ước tăng 65% (năm 2016 chỉ tăng 50,2%), trong đó cho vay phục vụ mục đích mua nhà, sửa chữa nhà để ở chiếm 53,8%
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), năm 2017, tín dụng tiêu dùng ước tăng 65% (năm 2016 chỉ tăng 50,2%), trong đó cho vay phục vụ mục đích mua nhà, sửa chữa nhà để ở chiếm 52,9% (năm 2016 khoảng 49,5%, tốc độ tăng trưởng 76,5%.
Có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho tiêu dùng
Ông Nguyễn Văn Thuỳ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp, Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết nguyên nhân tín dụng tiêu dùng tăng cao chủ yếu do dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao khiến gia tăng nhu cầu về nhà ở. Đồng thời, do người dân chuyển dần từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng, và có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống.
Nhìn chung, tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2015, năm nay cho vay tiêu dùng vẫn với tốc độ tăng trưởng cao. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ tăng từ 12,3% (năm 2016) lên 18% năm 2017.
NFSC cũng cho biết, thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đã tăng mạnh từ 39% toàn ngành năm 2016 lên 45,7% cuối 2017. Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tài chính lại giảm nhẹ tỷ trọng (từ mức 47% năm 2016 xuống còn 42% năm 2017).
Ông Nguyễn Văn Thuỳ nhận định, "trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tín dụng và dự báo tăng trưởng cao".
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2017 khoảng 19%
Theo số liệu của NFSC, năm 2017, tăng trưởng tín dụng chung khoảng 18,7-19,3% (năm 2016 tăng 19%), hỗ trợ tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tín dụng có xu hướng giảm tỷ trọng tín dụng trung dài hạn (từ 55% cuối năm 2016 xuống 53,7% ước cuối năm 2017), sau khi tăng liên tục giai đoạn 2013-2016.
Tín dụng theo ngành nghề thì tập trung cao vào ngành công nghiệp, thương mại và hoạt động dịch vụ khác tăng 21,8% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 78,4% tổng tín dụng, giúp tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ liên tục cải thiện.
Đáng chú ý là trong dư nợ cho vay hoạt động dịch vụ khác, cho vay đối với ngành hoạt động làm thuê, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình có mức tăng trưởng mạnh nhất và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu tín dụng theo ngành nghề, tỷ trọng tăng từ 8,8% năm 2012 lên 16,1% năm 2017.
Tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm nhẹ khi chỉ tăng 12,2% năm 2017 trong khi năm 2016 tăng 15,8% tổng tín dụng. Trong đó, vốn vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,9%, vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,9%.
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục kiểm soát rất chặt chẽ các dòng tín dụng vào những lĩnh vực cho vay rủi ro có thể gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản và một số dự án BOT. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn đối với BOT, bất động sản nên ngân hàng vẫn cho vay nếu nhà đầu tư có phương án tốt, năng lực. Việc cho vay bất động sản cũng được kiểm soát bằng tỷ lệ, ví dụ giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn./.
"Năm 2017, tín dụng ngân hàng đã góp phần đắc lực cho sự phục hồi thị trường bất động sản. Chính thị trường bất động sản giải quyết cơ bản vấn đề tài sản đảm bảo cho thị trường. Nhờ đó tín dụng ngân hàng có đầu ra tích cực hơn."- TS. Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Theo VOV.VN
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường