Tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp
Các DN cần tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, cắt giảm những mảng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" diễn ra sáng nay, 25/7, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết do nhiều tác động từ bên ngoài cũng như một số khó khăn trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra. Hậu quả của đại dịch COVID-19 kéo dài khiến sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro...
Những diễn biến này đã khiến cho tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng ở mức thấp mặc dù NHNN và cả ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Trong bối cảnh đó, NHNN và ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát ở mức thấp, giảm mặt bằng lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Cụ thể, NHNN đã chủ động điều hành thị trường mở nhằm bảo đảm thanh khoản tốt cho hệ thống các TCTD; phân bổ sớm, phân bổ hết chỉ tiêu hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 để tạo điều kiện cho các TCTD thuận lợi mở rộng tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.
Bên cạnh đó, NHNN liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện và định hướng cho các TCTD giảm lãi suất cho vay...
"Có thể nói những giải pháp trên đây đã thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong việc đồng hành cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tín dụng 6 tháng đầu năm vẫn tăng chậm so với cùng kỳ các năm trước. Đến ngày 30/6/2023, tín dụng đối với nền kinh tế mới chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022", Phó Thống đốc nói.
Ở góc độ hiệp hội doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đánh giá thời gian qua việc gì làm được trong khả năng của mình ngành ngân hàng đều đã thực hiện.
Thực tế, việc làm cách nào để tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp là vấn đề đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành, các địa phương, các hiệp hội ngành nghề đặc biệt quan tâm nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích với tính chất quan hệ đồng hành, cộng sinh, khó khăn, thách thức hiện hữu của doanh nghiệp cũng chính là các khó khăn mà ngân hàng sẽ phải đối mặt.
Thực tế, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD có xu hướng tăng nhanh từ năm 2022 và có thể tiếp tục tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2023 (đến cuối tháng 4/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 3,42%, tăng nhanh so mới mức 2,03% cuối năm 2022 và mức 1,49% vào cuối năm 2021).
Hơn nữa, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn khi mà hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm…). Các TCTD cũng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng đảm bảo an toàn hệ thống.
Bên cạnh đó mặc dù các TCTD đã giảm lãi suất cho vay về mức trước khi có dịch; triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm, hoặc không đáp ứng điều kiện vay vốn nên tín dụng 6 tháng có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước.
Trong những tháng cuối năm, kinh tế thế giới và trong nước dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để hài hòa được các mục tiêu điều hành trong tổng thể chung của nền kinh tế thì nhiệm vụ của ngành ngân hàng sẽ rất nặng nề và gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển kinh tế.
Theo đó, về điều hành tín dụng và lãi suất, Phó Thống đốc khẳng định NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; chỉ đạo các TCTD chủ động xây dựng chương trình, gói sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn.
NHNN cũng sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản...
Lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hệ số tín nhiệm, chủ động, kịp thời thông tin, truyền thông về các cơ chế, chính sách, giải pháp điều hành của NHNN...
Để tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, ngoài giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Đại diện NHNN đề nghị các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các hiệp định thương mại tự do. Qua đó thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng các đơn hàng xuất khẩu; thúc đẩy hoạt động các doanh nghiệp tạo công ăn việc làm và gia tăng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đối với hệ thống ngân hàng; có các giải pháp khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào cầu nước ngoài để tăng tính độc lập tự chủ nền kinh tế;
Ông Đào Minh Tú cho rằng cần xử lý triệt để các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản (BĐS), trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để qua đó góp phần đẩy mạnh cả 2 phía cung – cầu tín dụng. Có giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn thị trường TPDN; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc chào bán, giao dịch TPDN đảm bảo đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp kinh doanh BĐS phát hành TPDN...
Về phía các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, cần tăng cường trao đổi, truyền thông hướng dẫn đối với các doanh nghiệp thành viên, đồng thời tăng cường phối hợp với NHNN, các bộ, ngành, các TCTD trong việc cung cấp thông tin, chính sách của Nhà nước để hỗ trợ hiệu quả quá trình tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Các DN cần tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, cắt giảm những mảng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.
DN cũng cần tiết giảm chi phí phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh; mở rộng, tìm kiếm các đối tác/nhà phân phối để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hoá, giảm thiểu lượng hàng tồn kho.
Để tiếp cận vốn thuận lợi, DN cần xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền của các phương án kinh doanh; không sử dụng nguồn vốn sai mục đích/tận dụng để bù đắp cho những phương án kinh doanh không hiệu quả; xây dựng định hướng chiến lược rõ ràng, tham gia các hoạt động tư vấn để dự báo được những biến động của thị trường và có phương án xử lý phù hợp.
Riêng đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phó Thống đốc NHNN lưu ý cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để các TCTD có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay cũng như tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…).
Khi các giải pháp được triển khai đồng bộ sẽ giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn.
Anh Minh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội